Không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy
(Dân trí) - Công tác phòng, chống ma túy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy, các ngành chức năng đã triển khai đồng loạt các giải pháp.
Trong những năm vừa qua, công tác đấu tranh, phòng chống ma túy đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2017 đến nay, nhiều đường dây tội phạm ma túy lớn đã bị bóc gỡ, các cơ quan chức năng bắt giữ hơn 142.000 đối tượng, thu giữ hơn 20 tấn ma túy các loại cùng 4,2 triệu viên ma túy tổng hợp...
Trung bình mỗi năm ngành chức năng điều tra hơn 20 nghìn vụ, bắt hơn 30 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy. Trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, tổ chức chặt chẽ, gồm nhiều đối tượng tham gia, có yếu tố nước ngoài với số lượng ma túy đặc biệt lớn.
Mặc dù vậy, nhiều mục tiêu của công tác phòng chống ma túy vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra.
Cụ thể như mục tiêu không phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy, triệt xóa từ 5-10% số điểm, tụ điểm mỗi năm trên toàn quốc; hạn chế phát sinh người nghiện ma túy mới; giảm hơn 1% số xã, phường, thị trấn có ma túy so với năm trước; đến năm 2020 có hơn 20% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy giảm mức độ phức tạp so với năm 2015 và mục tiêu mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố xây dựng được 1 mô hình điểm về phòng chống ma túy tại xã, phường, thị trấn.
Bộ Công an đánh giá tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên thế giới, trong khu vực và trong nước trong những năm tới ngày càng diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy đang tìm cách lợi dụng biến Việt Nam thành nơi sản xuất và trung chuyển ma túy.
Bên cạnh đó việc xuất hiện và lan rộng của các loại ma túy tổng hợp, nhiều loại chất hướng thần mới đặt ra nhiều thách thức to lớn trong việc kiểm soát, ngăn chặn việc sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước và nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 rất cần được quan tâm, tập trung chỉ đạo, đổi mới cả về tư duy, biện pháp và cách làm.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm với nhiều mục tiêu cụ thể để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Trong đó xác định công tác đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn tệ nạn ma túy không phải là nhiệm vụ của riêng ngành công an, biên phòng mà phải có sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cấu ủy đảng, chính quyền địa phương và các Bộ, ban, ngành.
Đến năm 2025, phấn đấu kiềm chế, làm giảm tỉ lệ người nghiện ma túy trong cả nước, trên 80% người nghiện được cai nghiện; không còn điểm nóng về ma túy trên địa bàn toàn quốc...
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ, ngành, từng địa phương với những đề án cụ thể.
Trong đó, Bộ Công an là đơn vị chủ trì cuộc đấu tranh phòng chiến chống ma túy trong cả nước. Với mục tiêu không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy, đến năm 2025, các điểm nóng về ma túy trên các tuyến biên giới và địa bàn trọng điểm phải được giải quyết.
Bên cạnh nâng cao năng lực đấu tranh, trang bị thiết bị, vũ khí hiện đại cho lực lượng phòng chống ma túy, trong giai đoạn tới, Bộ Công an sẽ xây dựng hệ thống phòng tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với đó, 3 trạm kiểm soát ma túy công khai tại tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam sẽ hình thành, phục vụ công tác phát hiện, ngăn chặn nguồn ma túy trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Song song với công tác đấu tranh, phòng chống ma túy, công tác cai nghiện cũng được quan tâm đặc biệt. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đóng vai trò chủ đạo trong việc chỉ đạo, quản lý thống nhất việc tổ chức cai nghiện cũng như đào tạo, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
Cụ thể, đến năm 2025, số lượng, quy mô, khả năng tiếp nhận, cung cấp dịch vụ của các cơ sở cai nghiện đáp ứng nhu cầu cai nghiện của 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý (tương đương khoảng 200.000 người). Phấn đấu có 50% người tham gia cai nghiện được tư vấn, dạy nghề. Kịp thời đưa vào các cơ sở cai nghiện số người nghiện ma túy đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ sở cai nghiện phải được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngành lao động - thương binh và xã hội phải xây dựng được 5 mô hình thí điểm dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội các vùng miền.