1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Khó tiếp cận nhà ở xã hội, công nhân liều mua nhà "ba chung"

Xuân Trường

(Dân trí) - Khó tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, chị Nguyễn Thị Diễn (36 tuổi) liều mua nhà chung "sổ đỏ" với nhiều người khác, dù biết rõ tiềm ẩn đầy rủi ro pháp lý.

Sống trong... nơm nớp

Tình trạng mua nhà "ba chung" (chung thửa đất, chung giấy phép xây dựng, chung chủ quyền) khá phổ biến đã nhiều năm nay ở TPHCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Long An, Bình Dương... nhưng rất khó dẹp bỏ vì nhu cầu của công nhân, người lao động rất lớn.

cong-nhan_Xuan-Truong

Những gia đình công nhân, lao động nghèo 3-4 người sống trong phòng trọ chật hẹp, xuống cấp rất phổ biến ở TPHCM. (Ảnh: Xuân Trường).

Chị Nguyễn Thị Diễn (36 tuổi) thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội và nhân viên môi giới nhà đất mà biết đến những khu nhà ở giá rẻ.

Sau khi xem nhà, chị Diễn đã gom góp toàn bộ số tiền tích góp và vay mượn thêm người thân để đủ 1 tỷ đồng mua ngôi nhà 1 trệt, 2 lầu ở phường Thạnh Lộc, quận 12.

"Ngôi nhà tôi mua cùng chung sổ và chung số nhà với 15 hộ khác. Tôi mua bán bằng hình thức chuyển nhượng giấy tay, 2 bên cùng ký và lăn dấu vân tay", chị Diễn chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi chuyển đồ vào ở, chị hoảng hốt vì lực lượng chức năng địa phương đến cưỡng chế, tháo dỡ một số căn xây dựng không phép, sai phép trong cùng khu nhà.

nha-lien-ke

Khu nhà nơi chị Diễn mua có nguy cơ mất tiền, mất luôn nhà (Ảnh: NVCC).

Chưa dừng lại, khi chị Diễn và những người mua nhà yêu cầu chủ đất bàn giao sổ đỏ thì phát hiện chủ đất dùng sổ này thế chấp để vay tiền ngân hàng.

"Đa số những người mua nhà ở khu này đều là công nhân, lao động thu nhập thấp. Giờ mà mất nhà thì xem như mất trắng, chỉ có ra đường ở", chị Diễn thất thần.

Tương tự, sau nhiều năm vào TPHCM mưu sinh, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tường (34 tuổi, quê Quảng Nam), khó tiếp cận được suất mua nhà ở xã hội, lại không đủ khả năng mua nhà thương mại nên "liều" mua căn nhà "ba chung".

"Gia đình tôi mua một ngôi nhà diện tích hơn 50m2 ở vùng ven thành phố với giá gần 700 triệu đồng. Ngôi nhà này chung sổ, chung số nhà với nhiều căn xây dựng trên một thửa đất mà phần lớn là đất trồng cây lâu năm", anh Tường cho hay.

Anh Tường nói thêm: "Vợ chồng tôi biết rõ mua vậy là rủi ro, nhưng khổ nỗi giờ chỉ có mấy trăm triệu nên đành chấp nhận. Sống trong nhà của mình nhưng luôn nơm nớp lo sợ mất nhà. Giờ chỉ hy vọng được chính quyền xem xét cho tách thửa, cấp số cho từng hộ thì mới yên ".

cong-trinh-xay-dung-vi-pham

Dãy nhà liền kề, sổ chung bên trong "dự án Thành Đô 1" vừa bị chính quyền quận 12 yêu cầu phá dỡ nhiều căn do chủ đầu tư xây dựng sai phép (Ảnh: Xuân Trường).

Chị B. (42 tuổi), một môi giới bất động sản tại TPHCM, chia sẻ thời gian qua có rất nhiều người hỏi mua nhà ở giá rẻ "ba chung" với tài chính từ dưới 1 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng chị B. chốt được 3-5 giao dịch nhà "ba chung". Mỗi căn, tiền hoa hồng môi giới được 20-30 triệu đồng.

"Đa số người mua nhà giá rẻ là công nhân, hoặc lao động trẻ, nguồn tài chính hạn hẹp. Thực tế, để mua một căn nhà đủ điều kiện có sổ riêng hay căn chung cư thì họ không đủ khả năng vì giá quá cao", chị B. cho hay.

Rủi ro, thiệt hại "đổ đầu" người lao động

Trong cảnh tương tự, bà Lê Thị Bích Th. (SN 1972), đã gom góp toàn bộ số tiền 685 triệu đồng mà gia đình tích góp được mua một căn nhà giá rẻ để thoát cảnh ở trọ khi về già.

ban-nha-o

Thông tin rao bán nhà "ba chung" đăng tải rầm rộ trên các diễn đàn công nhân, người lao động (Ảnh: Chụp màn hình).

Sau khi ký hợp đồng mua bán bằng hình thức vi bằng qua một công ty môi giới bất động sản (quận Gò Vấp, TPHCM), cả gia đình bà Th. phấn khởi chuyển vào nhà mới ở thì bất ngờ bị chủ khu nhà đến đuổi.

"Khi chúng tôi chuyển đồ vào ở, chủ khu nhà không biết chúng tôi. Giữa tôi và chủ khu nhà cũng chưa từng gặp hay có hợp đồng mua bán gì. Sau khi giao hết tiền, tôi liên lạc lại với công ty môi giới thì không liên lạc được", bà Th. thất thần kể lại.

Luật sư Trần Văn Nam (Đoàn luật sư TPHCM) khẳng định, việc mua bán nhà ở bằng giấy viết tay, lập vi bằng là hình thức mua bán nhà ở không đúng theo quy định pháp luật.

Do đó việc mua bán này không được pháp luật công nhận và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho người mua. Rủi ro nằm ở chỗ việc mua bán thường phải thực hiện nhiều lần, nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa có pháp lý đầy đủ, chưa đúng quy định.

Nguy hiểm hơn, có chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi tài sản đã thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy viết tay).

nha-o-xa-hoi_Xuan-Truong

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động, từ nay đến 2025, TPHCM tập trung phát triển thêm khoảng 35.000 căn hộ (Ảnh: Xuân Trường).

"Trường hợp mua bán nhà đất không có giấy tờ hợp pháp mà người bán người mua vẫn thực hiện, lập vi bằng... rất nhiều. Đây cũng là nhóm giao dịch thường xuyên xảy ra tranh chấp. Khi gặp phải các trường hợp trên, người mua rất dễ mất tiền, mất luôn nhà hoặc phải trải qua việc kiện tụng phức tạp, mất thời gian, chi phí mới đòi lại được tiền", luật sư Nam nêu rõ.

Cũng theo luật sư Nam, không ít trường hợp chủ sở hữu bán nhà, đất theo diện chuyển nhượng thông qua vi bằng do tài sản không có giấy tờ, trong khi thực chất nhà, đất có giấy tờ và đang thế chấp tại ngân hàng hoặc đã chuyển nhượng cho người khác.

Luật sư khuyến cáo, các công nhân, người lao động có dự định mua nhà bằng hình thức giấy viết tay, lập vi bằng thì nên dừng ngay để tránh ôm thiệt hại về mình.

Với những công nhân, người lao động đã rơi vào trường hợp mua bán nhà ở dưới hình thức giấy tay và lập vi bằng thì liên hệ ngay với bên bán để yêu cầu cung cấp giấy tờ và hoàn thiện hồ sơ mua bán theo đúng thủ tục, hình thức của quy định pháp luật về nhà ở và đất đai.

"Nếu không nhận được sự hợp tác từ bên mua, công nhân và người lao động cần tập hợp toàn bộ hồ sơ, hình ảnh, giấy tờ và tài liệu liên quan để sẵn sàng tố cáo hay khởi kiện đòi lại quyền lợi của mình", vị luật sư nhấn mạnh.

 Luật sư Trần Văn Nam nêu rõ, hành vi lừa bán nhà đất bằng hình thức giấy tay, lập vi bằng nhằm chiếm đoạt là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Những người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất, hình phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự.