1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa:

Khó khăn chồng chất, ngư dân mong sớm được tiếp sức

Bình Minh

(Dân trí) - Sản lượng đánh bắt sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân Thanh Hóa vào tình cảnh lao đao, bế tắc hơn bao giờ hết.

Những chuyến tàu "tay trắng" trở về

Vùng biển Ngư Lộc, Hậu Lộc mùa biển này không còn cảnh tấp nập thuyền, bè ra vào như trước kia. Không khí trầm lắng tại các bến cảng, làng chài làm hằn nét khắc khổ, mệt mỏi trên những khuôn mặt sạm nắng của ngư dân.

Khó khăn chồng chất, ngư dân mong sớm được tiếp sức - 1

Nhiều tàu cá thà nằm bờ, không dám ra khơi vì sợ thua lỗ.

Đứng trên triền đê nhìn những con tàu đang neo đậu ở nơi cửa biển, ông Đồng Văn Oanh (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) buồn rười rượi. Hơn 20 năm đi biển, chưa bao giờ ông Oanh muốn chuyển nghề như lúc này.

Ông Oanh cho biết, tàu của ông đã không ra khơi hơn một tháng nay bởi giá xăng, dầu tăng cao đẩy chi phí mỗi chuyến đi biển lên gấp rưỡi, thu hoạch không cách gì bù nổi.

Trước kia, mỗi chuyến đi biển của ông thường kéo dài 10 ngày, tiêu tốn khoảng 60-70 triệu đồng. Giờ, không chỉ giá dầu tăng mà các nguyên vật liệu khác phục vụ cho chuyến ra khơi cũng tăng, đẩy chi phí một chuyến ra khơi lên hơn 100 triệu đồng.

Khó khăn chồng chất, ngư dân mong sớm được tiếp sức - 2

Ông Toan than thở về những chuyến ra khơi "tay trắng".

"Tàu 300CV của tôi phải đổ 3.000 lít dầu mỗi lần vươn khơi. Giá dầu hiện tại là 29.500 đồng/lít, cộng với chi phí sinh hoạt trên tàu nữa, mỗi chuyến ra khơi, tiền đầu tư tăng từ 30-40 triệu đồng so với những năm trước. Giờ có muốn nhổ neo ra khơi cũng khó", ông Oanh thở dài.

Theo ông Oanh, nhiều ngư dân ở Ngư Lộc không chờ được giá xăng "hạ nhiệt" quyết định ra khơi cách đây một tuần thì lại gặp cơn bão số 1, đành "tay trắng" trở về. Hiện có đến 80% tàu cá ở Ngư Lộc phải nằm bờ.

"Đây là thời điểm khai thác thủy hải sản gặp nhiều khó khăn do sản lượng đánh bắt đa phần là thủy hải sản có giá trị kinh tế thấp, thu nhập ngư dân sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, duy tu, sửa chữa tàu thuyền lại tăng cao, chúng tôi chỉ làm ở mức cầm chừng, hoặc tạm ngưng hoạt động", ông Oanh cho biết thêm.

Hơn một tháng không ra khơi vì xăng dầu tăng "phi mã", ông Nguyễn Văn Toan (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc) có ý bỏ nghề. Nhưng không có thu nhập sau nhiều tháng ở nhà cũng không trụ được mà tiền lương cho bạn thuyền vẫn phải trả, ông Toan quyết định ra khơi.

"Tàu nhổ neo ra khơi cũng là khoảng thời gian tôi như "ngồi trên đống lửa". Chưa bao giờ tôi phải lo lắng, tính toán cho một chuyến đi biển cặn kẽ, chi tiết như thời điểm này.

Thường một chuyến ra khơi kéo dài 7-10 ngày, hết khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng chuyến đi biển đợt này phải hết 120 triệu đồng, bởi giá cả mọi thứ đều tăng. Bên cạnh đó, mùa này thủy hải sản hiếm, quyết định đi biển với ngư dân rủi ro cũng như... đánh bạc", ông Toan giải thích.  

Theo ngư dân này, mỗi tháng ông trả lương cho 4 bạn thuyền, mỗi người 10 triệu đồng, chi phí cho chuyến ra khơi cao hơn nhiều những gì thu về nên chốt lại, chuyến đi biển... trắng tay. Nhưng nếu không ra khơi, không có thu nhập, không trả được lương cho lao động thì anh em bạn thuyền sẽ bỏ nghề.

Mong sớm được "tiếp sức"

Chung thực trạng, khu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn) cũng đang có hàng trăm tàu cá đang neo đậu. Anh Nguyễn Văn Hải, chủ tàu cá ở phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn bày tỏ sự sốt ruột, muốn ra khơi nhưng giá nhiên liệu cho chuyến đi tăng cao mà sản lượng đánh bắt ở biển giảm, thủy hải sản trên bờ lại không được giá nên tính một cách thực tế thì để tàu nằm bờ vẫn đỡ hơn ra khơi.

Khó khăn chồng chất, ngư dân mong sớm được tiếp sức - 3

Ngư dân mong muốn sớm được tiếp sức để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

"Nếu giá xăng ổn định ở mức 20.000-22.000 đồng thì ngư dân đi biển mới có lời, giá xăng như hiện nay đi biển cầm chắc lỗ to. Tôi mong nhà nước sẽ bình ổn giá xăng dầu hoặc trong lúc này có chính sách "tiếp sức" cho ngư dân bám biển", anh Hải nêu nguyện vọng.

Không riêng anh Hải mà, ông Oanh, ông Toan và rất nhiều ngư dân khác đều nhận định, càng làm, càng nỗ lực ra khơi vào thời điểm càng lỗ nặng. Ngư dân hiện rất cần chính sách hỗ trợ để có thể tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, địa phương hiện có hơn 300 phương tiện đánh bắt thủy hải sản nhưng chỉ có khoảng 40% tàu cá hoạt động, còn lại đang nằm bờ. 

Phó Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc Nguyễn Đình Ánh thì cho biết, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng và đang đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này đã đẩy chi phí ra khơi tăng gấp bội. Nhiều ngư dân không thể ra khơi do giá xăng cao trong khi sản lượng đánh bắt trên biển mùa này giảm.

"Địa phương rất mong có những chính sách "hạ nhiệt" giá xăng dầu để ngư dân yên tâm bám biển. Hỗ trợ ngư dân không chỉ để họ không bị rơi vào cảnh túng quẫn, mà còn để những tàu cá đủ lực vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trên biển cả mênh mông, những chiếc thuyền của ngư dân cũng chính là những cột mốc chủ quyền thiêng liêng", ông Ánh nhấn mạnh.

Được biết, để tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân yên tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 5/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4186/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do giá xăng, dầu. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh.