1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Khi nam giới tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái

Khánh Hồng

(Dân trí) - Mô hình CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em của phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của nhiều người về bình đẳng giới.

Giúp các gia đình "cơm lành, canh ngọt"

Vợ chồng chị T. thuộc gia đình trí thức, cuộc sống giàu có, con cái "đủ nếp, đủ tẻ" tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, do quan điểm sống khác nhau nên hai vợ chồng thường xuyên xích mích, cãi vã.

Thậm chí, người chồng còn nhiều lần "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ. Có lần, khi công an đến, người chồng còn đóng chặt cửa không cho ai vào.

Biết được thông tin, các thành viên trong CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em số 2 của phường Hòa Cường Bắc tìm cách tiếp cận, khuyên giải 2 vợ chồng chị T.

Khi nam giới tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái - 1

Một buổi sinh hoạt của CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái số 1 Hòa Cường Bắc. 

Khi các thành viên trong CLB đến nói chuyện, người chồng nói theo lý của người chồng, người vợ nói theo lý của người vợ, không ai chịu nhường nhịn ai.

"Chúng tôi phải dùng những lời lẽ đơn giản nhưng có tính thuyết phục để khuyên giải hai vợ chồng. Mưa dầm thấm lâu, sau nhiều lần được chúng tôi khuyên giải, nhận thức của hai vợ chồng dần dần thay đổi", bà Đặng Thị Liễu, Ban chủ nhiệm CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em số 2 của phường Hòa Cường Bắc nói.

Theo bà Liễu, 2 năm nay, không thấy vợ chồng chị T. lớn tiếng cãi vã, ầm ĩ nữa. Tuy nhiên, CLB vẫn thường xuyên nhắn tin cho cả 2 hai vợ chồng chị T. để trao đổi, động viên, thăm hỏi sức khỏe của họ.

Còn trường hợp của bà H. là chuyện giữa mẹ chồng và nàng dâu. Bởi bà mẹ chồng có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Cô con dâu đầu của bà H. sinh được 3 con trai, trong khi cô con dâu út lại sinh được 3 con gái.

Trong cuộc sống hàng ngày, bà H. luôn thể hiện sự yêu thương các cháu trai hơn các cháu gái. Bực bội với cách hành xử của mẹ chồng, cô con dâu út thường hay xích mích với bà H.

Nghe chuyện, các thành viên trong CLB gặp riêng bà H. và con dâu út bà để giải giảng cho hai mẹ con hiểu chuyện. Sau khi được CLB tư vấn, mẹ con bà H dần dần thay đổi quan niệm sống, thay đổi cách suy nghĩ đối với người khác để hiểu nhau hơn.

Đó là 2 trong số nhiều trường hợp được CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em số 1 và số 2 của phường Hòa Cường Bắc tham gia hòa giải thành công.

Khi nam giới tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái - 2

CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em số 2 phường Hòa Cường Bắc dán tờ rơi tuyên truyền phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. 

Là người tham gia CLB ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Đặng Vân (86) tuổi - Chủ nhiệm CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực với phụ và trẻ em gái số 1 luôn là người tích cực tham gia các hoạt động.

Theo ông Vân, kết quả mà CLB mang lại trước hết là cho các thành viên trong CLB, khi cha mẹ thực hiện tốt bình đẳng giới thì  con trong nhà cũng noi theo.

Ông Đặng Đông - Chủ nhiệm CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực với phụ và trẻ em gái số 2 cũng cho hay, CLB đã tạo được chuyển biến tích cực cho thành viên và các nhóm liên quan về nhận thức trong phân biệt về giới và giới tính, hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là sự bất bình đẳng giới...

Những năm qua, CLB được cộng đồng hưởng ứng, nhất là huy động được sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Thay đổi nhận thức và hành động

Tháng 8/2015, thực hiện dự án "Huy động cộng đồng chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" do Tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đà Nẵng triển khai thí điểm tại Đà Nẵng, UBND phường Hòa Cường Bắc đã thành lập 2 mô hình hoạt đông, là: Câu lạc bộ (CLB) nam giới tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái và CLB phụ huynh học sinh tiên phong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Sau hơn 2 năm hoạt động, CLB nam giới tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái sáp nhập cùng CLB phụ huynh học sinh tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái trở thành CLB nòng cốt phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái số 1 và số 2. Mỗi CLB có khoảng 80 thành viên, trong đó, nam giới chiếm 50%.

Cứ đều đặn 1 tháng một lần, CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em số 1 và số 2 sinh hoạt một lần.

Khi nam giới tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái - 3

CLB nòng cốt tiên phong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em số 1 và số 2 phường Hòa Cường Bắc họp bàn đưa ra chương trình, hoạt động trong thời gian tới. 

Nội dung các buổi sinh hoạt được thực hiện theo tài liệu của dự án, trong đó xoay quanh các vấn đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và cộng đồng, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nam giới trong việc duy trì quan hệ lành mạnh và giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, phát triển bản thân và thể hiện nam tính tích cực…

Các buổi sinh hoạt được tổ chức tại các cụm khu dân cư, có sự tham gia của các hộ gia đình. CLB còn sân khấu hóa các nội dung về phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. Bằng những tình huống giả định của sân khấu kịch, những vấn đề về bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em đã được các thành viên CLB thảo luận sôi nổi.

Bên cạnh đó, các thành viên đã tích cực tham gia các cuộc hòa giải những mâu thuẫn gia đình ở khu dân cư, can thiệp có hiệu quả những vụ xung đột trong gia đình, ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực gia đình, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Bà Trần Thị Tuyết Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Cường Bắc cho biết, sau 5 năm hoạt động, dự án đã kết thúc vào cuối năm 2020 và cũng đã hết tài trợ. Tuy nhiên, hiện 2 CLB vẫn tiếp tục duy trì hoạt động đều đặn.

"Mô hình CLB được đánh giá là đem lại hiệu quả, cho thấy vai trò của CLB. Vì vậy, dù không được tài trợ nữa nhưng các CLB vẫn duy trì hoạt động và các thành viên vẫn tham gia rất tích cực", bà Ngọc nói.