Đà Nẵng xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em
(Dân trí) - Đà Nẵng đã trở thành thành phố thứ 2 tại Việt Nam, sau TPHCM chính thức tham gia Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em với sự hỗ trợ của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Thành phố thân thiện với trẻ em, đó là một thành phố/cộng đồng nơi tiếng nói, nhu cầu, ưu tiên và quyền của trẻ em là một phần không thể tách rời của các chính sách, chương trình và quyết định công.
Việc tham gia Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em của Đà Nẵng nhằm góp phần tốt hơn nữa Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Luật trẻ em (2016) trên địa bàn thành phố, tạo ra các kết quả hữu ích, có nghĩa ý và đo lường được.
Để được công nhận hoàn toàn là một thành phố thân thiện với trẻ em, Đà Nẵng sẽ phải trải qua một quá trình đánh giá nghiêm ngặt.
Báo cáo phân tích tình hình trẻ em và trẻ vị thành niên TP Đà Nẵng là bước đầu tiên trong lộ trình tham gia Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em của thành phố, trong đó áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền nhằm phân tích những kết quả đạt được, xu hướng về việc thực hiện quyền trẻ em trên các cơ sở dữ liệu cập nhật nhất.
Báo cáo này do UBND TP Đà Nẵng chủ trì, dưới sự điều phối của Sở Lao động, Thương binh - Xã hội, sự tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF vừa được công bố tuần qua.
Theo báo cáo, Đà Nẵng đã có những tiến bộ đáng kể trong công tác cứu sống các bà mẹ và trẻ em. Từ năm 2014, Đà Nẵng là một trong 5 tỉnh, thành phố tại Việt Nam triển khai thí điểm can thiệp nhằm cải thiện hiện hành sớm nuôi con bằng sữa mẹ thông qua áp dụng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu tại tất cả các bệnh viện cung cấp dịch vụ sản khoa và nhi khoa.
Hoạt động này hướng đến việc khuyến khích cho con bú sữa mẹ sớm. Đà Nẵng cũng thành lập ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam để hỗ trợ trẻ em có mẹ không thể cho con bú, cũng như trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng và mắc bệnh lý bẩm sinh.
Nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất là đối tượng gặp phải thách thức lớn về sức khỏe và phúc lợi. Nạo phá thai xảy ra đối với lứa tuổi vị thành niên từ 15-19 tuổi, với 41 cá phá thai được các cơ sở y tế công lập và tư nhân ghi nhận vào năm 2018. Nhìn chung, người dân vẫn tiếp cận được nguồn nước sạch nhưng chất lượng nước là một vấn về của thành phố và một số nơi phải chịu cảnh thiếu nước do hạn hán.
TP Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực giáo dục. Trong năm 2018-2019, hơn 97% học sinh tiểu học đã được học trong các cơ sở công lập. Đáng chú ý, tỷ lệ nhập học cấp THCS đạt hơn 98% và cấp THPT đạt hơn 93%.
Đà Nẵng đã xây dựng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mức chuẩn trợ cấp xã hội của TP Đà Nẵng cao hơn 1,3 lần mức bình quân cả nước.
Ngoài ra, thành phố cũng đã mở rộng phạm vi đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt, bao gồm nhiều trẻ em khác không nằm trong danh sách đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội. Mức chi của Đà Nẵng cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tăng nhẹ trong giai đoạn 2015-2018. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách nói chung cho lĩnh vực trẻ em vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở cấp xã, phường.
Đà Nẵng cũng là một trong 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập “Hội đồng trẻ em” vào năm 2019. Quận Hải Châu là một trong 6 quận, huyện trên cả nước có Hội đồng trẻ em cấp quận và Liên đội Phù Đổng (quận Hải Châu) là liên đội đầu tiên trong cả nước có Hội đồng trẻ em cấp trường.
Chính quyền địa phương các cấp quận, huyện đã tổ chức các diễn đàn dành cho trẻ em và thành lập CLB quyền trẻ em tại 56 xã, phường. Các diễn đàn và CLB này là cơ hội tốt giúp trẻ bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề tại địa phương mà các em quân tâm trước đại diện và lãnh đạo các cấp.
Lộ trình xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em của Đà Nẵng
Năm 2019-2020: rà soát, đánh giá nhanh tình hình trẻ em và trẻ vị thành niên thành phố thông qua dữ liệu hiện có và xây dựng báo cáo tóm tắt về tình hình trẻ em và trẻ vị thành niên.
Năm 2020-2021: Xây dựng và hoàn thiện Chương trình hành động vì trẻ em của thành phố giai đoạn 2021-2030. Dựa trên những phát hiện khuyến nghị của Báo cáo phân tích tình hình trẻ em và trẻ vị thành niên, lồng ghép các ưu tiên liên quan đến trẻ em vào các kế hoạch ngành và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và hướng dẫn cụ thể về phân bổ ngân sách hàng năm.
Năm 2021-2022: Đánh giá toàn diện và có hệ thống việc ưu tiên và triển khai các hoạt động liên quan đến trẻ em trong các kế hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025) và công tác phân bổ ngân sách cho các hoạt động được ưu tiên.
Năm 2021-2025: Rà soát và đánh giá sơ bộ Chương trình hành động vì trẻ em của thành phố giai đoạn 2021-2030. Nỗ lực đáp ứng một phần các tiêu chí liên quan đến quyền trẻ em được phê duyệt trong Chương trình hành động vì trẻ em của thành phố (2021-2030), các kế hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và liên quan đến công tác phân bổ và sử dụng ngân sách.