Thanh Hoá:
Khẩn trương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến tay người dân
(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu triển khai khẩn trương gói hỗ trợ an sinh xã hội đến tay người dân nhanh nhất. Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bỏ sót, trùng lắp đối tượng.
Ngày 15/11, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này vừa có kế hoạch triển khai Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (NQ 154) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ32) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Mục đích của kế hoạch là triển khai, thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại NQ 154 và QĐ 32.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện khẩn trương để gói hỗ trợ an sinh xã hội đến tay người dân một cách nhanh nhất. Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; các địa phương phải rà soát để không bỏ sót, trùng lặp đối tượng, những đối tượng đã xác minh chính xác thì chi trả trước.
Đồng thời, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách theo quy định, làm tốt công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện; theo dõi, giám sát xuyên suốt trong quá trình thực hiện hỗ trợ dịch Covid-19; tổng hợp những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện NQ 154 và QĐ 32, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan cấp huyện có liên quan tiếp nhận, xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.
Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NQ 154 trên địa bàn; hướng dẫn công tác lập hồ sơ, công tác tổ chức chi trả trợ cấp cho đối tượng; phân công, giao nhiệm vụ gắn trách nhiệm với từng phòng, ban, đơn vị. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn theo đúng quy định.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng tại địa phương đảm bảo đúng đối tượng, đúng mức hưởng, công khai, minh bạch, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mọi sai sót trên địa bàn.
Ngoài ra, chủ động sử dụng nguồn kinh phí còn dư sau khi thực hiện quyết toán cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP để chi trả cho nhóm đối tượng người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn...