Khác biệt trong cách tính lương hưu giữa Nhà nước và tư nhân, có công bằng?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng có sự cách biệt lớn từ cách tính lương hưu của lao động khu vực tư nhân và Nhà nước khác nhau.
Cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước và tư nhân
Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%.
Theo quy định tại Điều 56 và 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu của người lao động căn cứ vào tỷ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương /thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, được xác định theo công thức chung: Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động căn cứ vào điểm b, c, khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và điểm b, c, khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2023, nếu đóng 20 năm bảo hiểm xã hội được nhận mức lương hưu hàng tháng bằng 55% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; nếu đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa, với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Lao động nam nghỉ hưu năm 2023, nếu đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được nhận mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; nếu đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa, với tỷ lệ hưởng 75%.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau: 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995; 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000.
8 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006. 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015.
15 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019. 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024. Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Không hẳn là không công bằng
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế, cách tính lương hưu của khu vực công đang theo nguyên tắc của thế giới, tính lương hưu theo toàn quá trình.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, cũng cần tính toán, cân nhắc trong cách tính giữa 2 khu vực để không tạo ra sự khác biệt quá lớn. Đồng thời cũng tính toán dựa trên nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức hưởng lương hưu cao với người nhận lương thấp, nhằm tạo sự công bằng.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, khác biệt trong cách tính hưởng lương hưu giữa hai khu vực là do quá trình điều chỉnh chính sách trước đây.
Đánh giá một cách tổng quan, chuyên gia này cho rằng, không hẳn cách tính lương hưu của hai khu vực khác nhau là không công bằng. Bà Hương phân tích, cán bộ, công chức, viên chức có lương khởi điểm tính theo hệ số khá thấp. Trong khi đó, định kỳ 3 năm một lần mới được tăng lương, thường giai đoạn cuối tiền lương mới cao hơn đôi chút.
Bên cạnh đó, lương của người lao động khu vực tư nhân được tính dựa trên sự thỏa thuận, đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Chính vì vậy, nhiều lao động ở doanh nghiệp tư có mức đóng bảo hiểm xã hội rất cao, đóng trên tổng tiền lương nên chắc chắn khi lao động về hưu tiền lương thực tế cũng rất cao.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109 nghìn người). Trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.
Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước). Người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng.