Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Kết quả đạt được trong sóng gió dịch bệnh đáng ghi nhận, khích lệ"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu nhận định đó tại hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt - Lào lần thứ 7, ngày 2/11.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng phát triển, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội hai nước.
Tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung khái quát, hai nước đều đang dành những ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào. Đây cũng là mối quan hệ vĩ đại, đặc biệt có một không hai, thủy chung, gắn bó như anh em một nhà.
Kể từ hội nghị Bộ trưởng Lao động và phúc lợi xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 6 tại Vientiane năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng thấy rằng mặc dù đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ nhưng hai nước vẫn linh hoạt để thực hiện hợp tác trên các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và người có công.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Việt - Lào đã đa dạng hóa các hình thức hợp tác từ đào tạo ngắn hạn, luyện thi tay nghề ASEAN tới hỗ trợ trang thiết bị, và đào tạo dài hạn từ bậc đại học.
Trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, việc trao đổi đoàn nhằm chia sẻ cơ chế, chính sách theo cơ chế luân phiên đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Bộ.
Trong các hợp tác về lao động, xã hội và phát triển nguồn nhân lực còn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh chung biên giới Việt Lào và các tỉnh có quan hệ hợp tác kết nghĩa và các đơn vị chuyên môn thuộc hai Bộ.
Bộ trưởng Lao động Việt Nam cũng bày tỏ cảm kích với sự hỗ trợ của người đồng cấp Lào trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào trong chiến tranh.
Về tình hình hiện tại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cả Lào và Việt Nam vừa phải trải qua thách thức trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng do biến chủng Delta quét qua. Dịch bệnh làm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng tới an sinh xã hội cho hàng triệu người dân.
Với những nỗ lực không ngừng, không kể ngày đêm của cả hệ thống chính trị, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát dịch, hoàn thành bao phủ tiêm vaccine tại những tỉnh có tỷ lệ và nguy cơ cao như TPHCM, Bình Dương, Hà Nội… chi viện nhân viên y tế cho các tỉnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng đưa ra gói hỗ trợ mới, mở rộng các nhóm đối tượng được hưởng lợi, giảm 2/3 số thủ tục hành chính để tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho người dân. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, gói hỗ trợ mới của Việt Nam còn có hỗ trợ cho lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ, viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, lao động không có giao kết hợp đồng, hỗ trợ cho hộ kinh doanh, tiền ăn đối với người điều trị Covid-19 và trẻ em phải điều trị và cách ly.
Đặc biệt, tháng 10/2021, Việt Nam đã ban hành quyết định số về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trị giá 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Việt Nam đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3% vào năm 2020.
Phát hiểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Bay Kham Khat Thi Nha xác nhận, Lào cũng vừa phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ hai. Theo thống kê, Lào đã ghi nhận gần 50.000 ca bệnh, nhiều người chết, tập trung ở thủ đô Phnompenh rồi lan ra một số địa bàn khác.
So với một số nước, số ca nhiễm Coivd-19 tại Lào không phải quá cao nhưng Lào rất lo ngại về hệ thống y tế và nhân lực đối phó với dịch do mạng lưới mỏng, còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh đó, Lào rất cảm kích với sự giúp đỡ của Việt Nam về nhân lực ngành y cũng như trang thiết bị phòng dịch.
Dưới sự tác động của dịch, mức tăng trưởng của Lào trong năm 2021 giảm mạnh, chỉ còn mức 3%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao, dự báo có khoảng 900.000 người sẽ mất việc làm.
Xử lý vấn đề lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là số lao động trở về từ nước ngoài, là vấn đề Lào đang tập trung giải quyết trong 9 tháng đầu năm 2021. Tương tự Việt Nam, Lào cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ lao động mất việc có thể tìm việc làm cũng như hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn mà "lọt lưới" bảo hiểm xã hội… với số tiền khoảng 45 triệu Kíp.
Chia sẻ với người đồng cấp Lào, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam mong muốn thời gian tới, các đơn vị, cán bộ 2 Bộ chủ động, tích cực hơn như tinh thần trao đổi tại hội nghị hôm nay để hoạt động hợp tác của 2 cơ quan, 2 nước thiết thực, hiệu quả hơn.
"Hai bên đã làm bật được những kết quả của hoạt động hợp tác 2 năm qua. Những kết quả đạt được trong sóng gió, bão táp dịch bệnh rất đáng ghi nhận, khích lệ. Chính phủ 2 nước Việt - Lào cùng chia sẻ quan điểm về việc chăm lo cho người yếu thế, phúc lợi, việc làm, an sinh"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Kết thúc hội nghị, 2 Bộ trưởng Lao động đã ký trực tuyến biên bản hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội lần thứ 7 và Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa hai Bộ, tập trung vào việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Lào năm 2013; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về xây dựng luật pháp chính sách và các mô hình trong các lĩnh vực quản lý của hai Bộ…
Hai bên cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 8 tại Lào vào năm 2023.