ASEAN là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
(Dân trí) - Việt Nam lấy ASEAN là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Phát huy tinh thần đùm bọc chia sẻ để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa hợp và tự cường với người dân được đặt ở vị trí trung tâm.
Sáng ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Điều phối Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN năm 2021. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), ông Dương Hải Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và lãnh đạo các cục, vụ liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: "Mục tiêu của Hội nghị nhằm cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động ASEAN của các Bộ, ngành thuộc ASCC tại Việt Nam đến tháng 3/2021, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị ASCC lần thứ 25, Hội nghị SOCA lần thứ 30 và các cuộc họp liên quan".
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Hội nghị còn là sự chuẩn bị cho việc giám sát và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tổng thể ASCC 2025 và hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021 - 2025.
Ưu tiên đối ngoại
Tại Hội nghị, ông Dương Hải Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), thông tin thêm về Đề án Việt Nam tham gia ASEAN 2021. Theo đó, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực đóng góp củng cố, đoàn kết và thống nhất ASEAN, duy trì các ưu tiên đã thúc đẩy trong năm 2020.
"Việt Nam đảm bảo đoàn kết, thống nhất và hợp tác trong ASEAN, tôn trọng và vận dụng khéo léo các nguyên tắc, quy trình và phương thức hoạt động ASEAN, kết hợp hài hòa các lợi ích quốc gia và lợi ích của Cộng đồng, giữa ASEAN với các đối tác" - ông Dương Hải Hưng cho biết thêm.
Việt Nam sẽ phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2020 như: Xây dựng Tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau 2025, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, phát huy khung hành lang đi lại ASEAN.
Đồng thời xây dựng và phát triển trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới, quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và đề xuất lập kho dự phòng vật tư y tế ASEAN+3 và tiếp tục xây dựng khung phục hồi tổng thể ASEAN hậu Covid-19.
Lấy người dân là trung tâm
Tại Hội nghị, bà Hà Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Hội nghị Điều phối Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN năm 2021 với phương châm, cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng".
Theo đó, phát huy tinh thần đùm bọc, chia sẻ để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa hợp và tự cường với người dân được đặt ở vị trí trung tâm. Cùng nhau chuẩn bị cho tương lai, duy trì tính tương thích và tự cường của ASEAN, trong đó, chú trọng giải quyết các nội dung hợp tác liên ngành, liên trụ cột.
Đồng thời tạo cơ hội cho mọi người được hưởng lợi thông qua các sáng kiến nâng cao sự thịnh vượng bền vững của khu vực.
Về định hướng tham gia trên trụ cột Văn hóa - Xã hội, bà Hà Minh Đức cho rằng, Việt Nam sẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết đã đạt được trong năm 2020, chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực an sinh xã hội, lao động - việc làm, phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế, tham gia vào quá trình triển khai các sáng kiến khu vực về ứng phó với Covid-19. Giảm thiểu rủi ro, ứng phó và phục hồi hiệu quả thiên tai và dịch bệnh.
Đối với vai trò là trụ cột ASCC, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với nhiều Bộ, ngành điều phối ưu tiên, văn kiện, hoạt động tại Việt Nam của trụ cột ASCC trong năm 2021 và theo đề án 161, theo tiến độ cam kết. Đồng thời, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN trong việc chuẩn bị các văn kiện của SOCA, ASCC và các hoạt động liên quan.
Ngoài ra, kết nối giữa các Bộ, ngành, Ban Thư ký ASEAN, chuẩn bị ngân sách, huy động nguồn lực từ các đối tác, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đề án 161 giai đoạn 2021 -2025 và kế hoạch thực hiện đề án ASEAN 2021.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, thành viên Nhóm tư vấn Xây dựng Bản kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện "Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng văn hóa - xã hội đến năm 2025" của Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, Bộ LĐ-TB&XH tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp".
Cụ thể, rà soát, lồng ghép và tổ chức thực hiện các nội dung về lao động và xã hội của kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 và các hoạt động của các cơ quan hợp tác chuyên ngành ASEAN trong kế hoạch, chính sách, chương trình của Bộ và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực lao động và xã hội và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu.
Bên cạnh đó, thúc đẩy vận động, thu hút nguồn lực và hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Đề án ASEAN.