1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam 2020:

Hơn 88% trẻ em được khảo sát cho biết ít có cơ hội bày tỏ chính kiến

Phạm Công

(Dân trí) - Báo cáo khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam 2020 cho thấy: 88.3% trẻ em được hỏi cho rằng còn có ít cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến với người có thẩm quyền ra quyết định.

Trong tháng 3/2021, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020. Số liệu từ báo cáo khảo sát có giá trị tham khảo quan trọng, đóng góp không nhỏ tới công tác trẻ em trong thời gian tới.

Theo đó, tỷ lệ trẻ em tiếp cận thông tin về Quyền Trẻ em thông qua chính quyền địa phương còn chưa cao (11,6%). Cứ 10 trẻ em được khảo sát thì có 9 trẻ cho rằng không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến với người có thẩm quyền ra quyết định; trong khi đó, gần 90% trẻ em được hỏi cho rằng, việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng…

Khảo sát cũng cho thấy, trong 2 trẻ em được hỏi thì có 1 trẻ nói "chưa từng nghe nói đến" Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em.

Cụ thể, trong 7 trẻ em trong nhà trường và 3 trẻ em ngoài nhà trường được hỏi thì có 1 trẻ cho biết "chưa từng nghe nói đến" khái niệm Quyền Trẻ em. Trẻ em tiếp cận thông tin về Quyền Trẻ em chủ yếu thông qua mạng xã hội (61,3%); qua báo, đài, tivi (58,8%) và qua các tổ chức hỗ trợ trẻ em (26,1%).

Hơn 88% trẻ em được khảo sát cho biết ít có cơ hội bày tỏ chính kiến - 1

Cứ mỗi 7 trẻ em trong nhà trường và 3 trẻ em ngoài nhà trường được hỏi thì có 1 trẻ cho biết "chưa từng nghe nói đến" khái niệm Quyền Trẻ em.

Mong mỏi được bày tỏ chính kiến

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - cho biết: "Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.692 trẻ em Việt Nam từ 11 - 16 tuổi ở 7 tỉnh/thành phố thuộc miền Bắc, Trung và Nam. Đây là những trẻ em ở nông thôn và thành thị, trong và ngoài nhà trường, trẻ em thuộc nhiều nhóm người dân tộc và trẻ em khuyết tật".

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp, từ đó xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.

Một trong các phát hiện đáng chú ý cho thấy, có tới 88.3% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng còn có ít cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến với người có thẩm quyền ra quyết định.

Hơn 88% trẻ em được khảo sát cho biết ít có cơ hội bày tỏ chính kiến - 2

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (ảnh NVCC).

Theo bà Nguyễn Phương Linh, tuy đã có quy định, nhưng việc thực hiện quy định, chính sách về thúc đẩy sự tham gia của trẻ em tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều vấn đề.

"Trẻ em cần có các kiến thức về quyền của mình, ý thức về các rủi ro, nguy cơ của bạo lực xâm hại trẻ em, cách thức để phòng ngừa và nếu chẳng may gặp tình huống bị bạo lực, xâm hại với bản thân hay các bạn bè thì các em cần làm gì" - Bà Nguyễn Phương Linh cho biết.

Trẻ em tham gia khảo sát ý thức được quyền của mình đã phần nào thể hiện được công tác tuyên truyền giáo dục cho trẻ em về quyền tham gia của trẻ em đã đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt từ tư duy, phương pháp, cách thức để trẻ em được tham gia thực chất.

"Dù chúng ta vẫn mải mê bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhân danh vì lợi ích của trẻ nhưng đôi khi người lớn quên mất lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng vô cùng chính đáng của trẻ em. Chúng ta quên mất trẻ em có thể khởi xướng và đưa ra các sáng kiến, giải pháp vô cùng hiệu quả" - bà Nguyễn Phương Linh nói.

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, dù là cha mẹ hay thầy cô, việc quan tâm, dành thời gian hướng dẫn, đồng hành, trao quyền cho các em, tập dượt các tình huống để trẻ em có tư duy phản biện và kỹ năng bảo vệ bản thân cũng rất quan trọng.

Vai trò của toàn xã hội

Cũng theo kết quả của khảo sát, trong môi trường trường học, có 61,6% trẻ em được hỏi cho biết không được tiếp cận công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Đánh giá về điều này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, vấn đề thực tế này đã cho thấy rằng cần tăng cường đội ngũ nhân lực để thực hiện truyền tải công ước Liên Hợp Quốc đến với trẻ em.

Ngoài ra, nội dung và hình thức truyền tải và thời gian thời lượng để tổ chức các hoạt động gắn với Quyền trẻ em và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em cần đặc biệt chú trọng.

Hơn 88% trẻ em được khảo sát cho biết ít có cơ hội bày tỏ chính kiến - 3

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) 

Nhận định thêm về con số 43,4% trẻ em quan tâm về sự an toàn trong môi trường sống, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: "Thời gian qua vấn đề rất nóng là bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích liên quan đến các khu chung cư, nhà cao tầng, các công trình xây dựng. Cha mẹ cần có kiến thức, kỹ năng để bảo vệ con em mình, tạo một môi trường sống xung quanh an toàn tối đa đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra, trẻ em cần được bảo vệ khi tham gia giao thông, trong trường học, khu vui chơi…".

Qua đó, công tác bảo vệ trẻ em cần có sự tham gia của toàn xã hội. Cần thực hiện đầy đủ những Nghị định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, xây dựng hình thức tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền một cách hiệu quả. Tăng cường nâng cao năng lực, kiến thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cán bộ bảo vệ trẻ em…

"Trong thời gian tới, Việt Nam cần củng cố, phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phối hợp liên ngành, kịp thời phát hiện những trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang sống trong môi trường không an toàn để sớm có phương án bảo vệ tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc" - bà Nguyễn Thị Nga đề xuất.

"Để bảo vệ trẻ em trước các vụ xâm hại, vai trò đồng hành của gia đình, nhà trường là rất lớn để trở thành những lá chắn bảo vệ trẻ em. Trẻ em cần được biết về những kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình" - Bà Nguyễn Thị Nga thông tin.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Nga, cần coi trọng công tác phòng ngừa, tuyên truyền, nâng cao năng lực đặc biệt là tố giác những hành vi xâm hại trẻ em và nghi ngờ xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ em.