1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hơn 10 triệu người ở các tỉnh phía Nam đã nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68

Xuân Hinh

(Dân trí) - Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 10,2 triệu người đã được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 với số tiền 9,9 nghìn tỷ đồng. Riêng ở TPHCM, gần 5 triệu người đã nhận hỗ trợ với số tiền 5,4 nghìn tỷ.

Tổ công tác_Xuân Hinh.jpeg

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chủ trì buổi làm việc. 

Sáng ngày 22/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, đã chủ trì buổi sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Tổ công tác đặc biệt về phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam của Bộ LĐ-TB&XH.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ, Tổ phó thường trực Tổ công tác của Bộ cho biết: "Sau hơn 2 tháng thành lập, Tổ công tác đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai hỗ trợ người dân tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Đến nay, việc triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 vẫn được quyết liệt đẩy nhanh để đảm bảo đời sống an sinh cho người dân, người lao động bị mất việc làm do tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch".

Thống kê của Tổ công tác, đến ngày 19/9, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã hỗ trợ 9,9 nghìn tỷ đồng đến 10,2 triệu người dân theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Trong đó, chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ tiền mặt 7.000 tỷ đồng, chính sách vay vốn 38 tỷ đồng.

Hơn 10 triệu người ở các tỉnh phía Nam đã nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 - 2

Ông Phạm Anh Thắng cho biết, Tổ công tác thường xuyên đốc thúc các tỉnh, thành phố đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính Phủ (Ảnh Hữu Khoa). 

Tại TPHCM, tổng kinh phí các chính sách là 5,4 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 5 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội trên 1,3 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền mặt 4.000 tỷ đồng, chính sách vay vốn 4,5 tỷ đồng. Thành phố đã chi 3,7 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 2,3 triệu người nghèo, cận nghèo, người lao động tự do, người khó khăn đợt 2.

Trong 2 tháng, Tổ công tác đã trực tiếp có 15 đợt kiểm tra tình hình phòng chống, dịch Covid-19, công tác đảm bảo an sinh tại 10 tỉnh, thành phố phía Nam. Hàng ngày, Tổ đều đôn đốc các tỉnh, thành phố gấp rút triển khai hỗ trợ người dân; kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai để việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng - ông Phạm Anh Thắng nhấn mạnh.

Tổ cũng đã đến thăm hỏi, tặng 220 túi an sinh cho người dân, người lao động mất việc tại các khu nhà trọ nghèo phản ánh chưa được nhận hỗ trợ; phối hợp cùng báo Dân trí tặng 2.000 túi an sinh cho người khó khăn ở Quận 3, TPHCM.

Hơn 10 triệu người ở các tỉnh phía Nam đã nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 - 3

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi tặng quà người dân gặp khó khăn do Covid-19 (Ảnh: Xuân Hinh).

Kịp thời khảo sát, đánh giá về tình hình người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TPHCM để tham mưu cho các Bộ, ngành hỗ trợ và có giải pháp nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo dõi tiến độ, cập nhật tình hình cấp phát gạo từ nguồn xuất cấp của Chính phủ trợ giúp cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại 18/19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Đến ngày 18/9, các tỉnh phía Nam đã nhận được 58.880/136.349,61 tấn gạo (43,18% số gạo được Thủ tướng Chính phủ quyết định) và đã cấp phát cho người dân.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, việc đảm bảo an sinh tại các tỉnh, thành phố phía Nam ban đầu chưa toàn diện. Các tỉnh, thành phố chủ yếu tập trung lo cho các hộ nghèo, đời sống người lao động tự do, người lang thang, cơ nhỡ chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa bàn, cán bộ chưa nắm rõ chủ trương, chính sách triển khai nên gây bức xúc cho người dân.

Hơn 10 triệu người ở các tỉnh phía Nam đã nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 - 4

Tổ công tác đã phối hợp cùng báo Dân trí trao 2.000 túi an sinh đến người dân trên địa bàn TPHCM (Ảnh: Hải Long). 

Đánh giá cao sự tích cực, triển khai nhiệm vụ của các thành viên Tổ công tác, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: "Qua 2 tháng trực tiếp đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác an sinh xã hội cho người dân tại các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cơ bản được đảm bảo".

Việc hỗ trợ được người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai một cách kịp thời, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Trong thời gian tới, Tổ công tác cần bám sát hơn nữa mục tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện đồng bộ các Kế hoạch công tác theo Quyết định của Bộ trưởng để các mặt công tác của Tổ đạt hiệu quả cao hơn nữa.

"Cần chú trọng việc theo dõi về tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm, khảo sát đánh giá về nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu với Bộ ban hành các chính sách phù hợp đối với lĩnh vực này khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác

Ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có Quyết định số 1033/QĐ-BLĐTBXH về việc kiện toàn Tổ công tác đặc biệt của Bộ, theo đó Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thay Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi để thực hiện nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Từ ngày 15/9 đến nay, các hoạt động của Tổ công tác được duy trì, kế thừa và triển khai hiệu quả.