"Hơi thở của rừng" mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân

Hạnh Linh

(Dân trí) - Năm 2023, Thanh Hóa thu hơn 162 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Nguồn thu từ "hơi thở của rừng", giúp người dân có thêm tiền, tạo động lực gắn bó, bảo vệ rừng tốt hơn.

"Khu rừng mình canh giữ đã sinh lời"

Đầu năm 2024, anh Lương Văn Bảy (40 tuổi, thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) nhận được một khoản tiền từ việc bán tín chỉ carbon.

Anh Bảy cho biết, hơn 20 năm giữ rừng, anh chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ phải làm để giữ gìn sự sống. Ngoài việc được hỗ trợ gạo, tiền bảo vệ khoanh nuôi rừng, anh cũng như nhiều người dân nơi đây chưa bao giờ nghĩ sẽ được nhận thêm khoản tiền từ việc bán tín chỉ carbon.

Hơi thở của rừng mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân - 1

Anh Hoàng Văn Bảy trong một lần đi thăm rừng (Ảnh: Hạnh Linh).

"Hơn 40ha rừng tự nhiên được nhà nước giao bảo vệ, tôi nhận được gần 6 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon. Cán bộ chi trả giải thích đây là tiền trông coi rừng trong 1 năm qua. Tôi rất vui bởi, khu rừng mình canh giữ đã sinh lời", anh Bảy chia sẻ.

Cũng như anh Bảy, ông Lương Trung Thành (64 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, Như Xuân) nhận được hơn 4 triệu đồng từ bán tín chỉ carbon.

Người đàn ông có thâm niên gần 30 năm giữ rừng cho biết, ông rất phấn khởi, bất ngờ khi khu rừng đã tạo ra nguồn thu thứ cấp. Số tiền ấy, tuy không lớn nhưng tạo thêm động lực, giúp ông bảo vệ rừng tốt hơn.

Ông Thành cho biết, xác định, rừng là "lá phổi xanh, viên ngọc quý" của trời đất ban tặng, từ năm 1997, gia đình ông tham gia bảo vệ gần 34ha rừng tại tiểu khu 578, cách nhà 14km.

"Mỗi lần vào thăm rừng, tôi phải dậy từ 3h, chuẩn bị đồ để lên đường. Cứ đi theo lối mòn cho đến lúc đói thì lấy cơm nắm, muối vừng ra ăn, khát lại tìm nước suối để uống, mệt thì nằm nghỉ dưới tán rừng. Khi đã vào với rừng, rừng như là nhà", ông Thành bày tỏ.

Ông Thành cho hay, rừng ở Thanh Quân có độ dốc lớn, người đi rừng phải có sức khỏe, kinh nghiệm. Vào thăm rừng, phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm sẽ ngăn chặn, đẩy đuổi, trình báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Theo ông Thành, người dân chỉ được thu những sản phẩm phụ từ rừng như: măng, dây mây,… Nhờ sự chung tay bảo vệ rừng của bà con trong thôn cùng lực lượng chức năng, những cánh rừng ở Thanh Quân ngày càng xanh tươi, nhiều cây rừng tự nhiên có đường kính lớn. 

Hơi thở của rừng mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân - 2

Người dân bảo vệ rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon (Ảnh: Hạnh Linh).

"Với bà con nơi đây, việc giữ rừng như giữ nhà mình. Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; không phát rừng làm nương rẫy; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô,…", ông Thành chia sẻ.

Mục tiêu "3 trong 1" từ bán tín chỉ carbon

Ông Lục Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, cho biết trên địa bàn xã có hơn 2.400ha rừng tự nhiên, được giao cho 215 hộ trông coi, bảo vệ, đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon.

"Năm 2023, trung bình 1ha rừng sẽ được chi trả hơn 130.000 đồng, với hơn 2.400ha, bà con xã Thanh Quân đã thu về khoảng 313 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon", ông Chương phân tích.

Theo ông Chương, số tiền bán tín chỉ carbon không lớn nhưng các hộ phấn khởi, tạo động lực cho người dân tăng cường, quyết tâm bảo vệ rừng.

"Giữ được rừng là có tiền, tiền sinh ra từ rừng. Song song với quyền lợi được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ carbon, trách nhiệm của người dân với rừng cũng lớn hơn. Nếu để xảy ra tình trạng rừng bị tàn phá, xâm phạm, chủ rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Chương nói.

Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết năm 2023, toàn huyện có khoảng 29.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, thu về hơn 3,7 tỷ đồng.

Theo ông Đạt, có 1.112 hộ dân và 6 chủ rừng nhà nước, 6 UBND cấp xã trên địa bàn huyện được nhận số tiền từ bán tín chỉ carbon.

"Việc thu lợi từ bán tín chỉ carbon hướng đến thực hiện mục tiêu "3 trong 1" gồm: tăng nguồn thu nhập, tạo động lực, tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, gắn bó với rừng; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về vai trò, tác dụng của rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống", ông Đạt chia sẻ.

Hơi thở của rừng mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân - 3

Nhờ được trông coi, bảo vệ thường xuyên, rừng ở Như Xuân có nhiều cây gỗ lớn (Ảnh: Văn Chương).

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng quản lý Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho biết, Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính.

Bán tín chỉ carbon có ý nghĩa lớn trong việc tăng nguồn thu nhập cho các chủ rừng; hỗ trợ sinh kế cho các nhóm cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; giảm áp lực phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép; làm giàu rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia và hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây cũng là tiền đề cho việc phát triển đề án bán tín chỉ carbon rừng. 

Ông Tuấn cho hay, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có hơn 393.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, số tiền hơn 162 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư.