1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam gặp khó vì... không được gây quỹ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nghệ An hiện có gần 14.500 nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên việc hỗ trợ cho các nạn nhân gặp khó khi Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh không được phép gây quỹ.

Đau khổ chồng chất

Trong những năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, ông Lương Văn Hần (SN 1953, trú bản Ngọn Pạn, xã Châu Lý, Quỳ Châu, Nghệ An) bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Trở về sau chiến tranh, ông lập gia đình và có 4 người con. Đau đớn thay, cả 4 đứa con của ông đều bị dị tật, dị dạng hoặc thiểu năng trí tuệ.

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam gặp khó vì... không được gây quỹ - 1
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 14.500 nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Ảnh: M.Tâm)

Ông Lương Văn Chuyên - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Châu Lý - chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình ông Hần thực sự là không có lối thoát. Ông Hần đã cao tuổi, sức khỏe ngày một yếu, 4 đứa con dị tật, thỉnh thoảng lên cơn còn đập phá nhà cửa. Sinh hoạt của 5 cha con đều do 1 tay người vợ quán xuyến, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào số tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của 5 cha con".

Tỉnh Nghệ An hiện có 14.486 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gồm: 9.523 nạn nhân trực tiếp (là những người trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu tại các khu vực bị Mỹ rải chất độc hóa học dioxin) và 4.963 nạn nhân gián tiếp, là con, cháu của những người lính bị nhiễm chất da cam.

"Nạn nhân trực tiếp hiện đã từ 70-90 tuổi, thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Trong khi đó, số nạn nhân gián tiếp phần lớn bị dị hình, dị tật, mất khả năng trí não, không có khả năng vận động hay tự phục vụ. Những người mang trong mình chất độc hóa học này đa số mang bệnh tật và phải điều trị lâu dài, dẫn tới gia đình khánh kiệt.

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam gặp khó vì... không được gây quỹ - 2
Phần lớn nạn nhân gián tiếp bị ảnh hưởng trí não, vận động không thể tự chăm sóc bản thân và thường xuyên đau ốm.

Có những gia đình 4-5 nạn nhân, đến tận nơi mới thấy đau xót vô cùng bởi nhà như bệnh viện thu nhỏ, mỗi người bệnh nằm một góc. Nạn nhân da cam thực sự là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ", ông Đinh Viết Hồng - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An xót xa.

Cần thêm sự chung tay 

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên những gia đình có tới 4-5 nạn nhân quanh năm đau yếu thì mức hỗ trợ này cũng chỉ động viên được 1 phần.

Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 1.267 nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, bằng nguồn vận động, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện và chính quyền địa phương đã có những phần quà để động viên, chia sẻ để giúp họ vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam gặp khó vì... không được gây quỹ - 3

Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên.

"Hàng năm, Tỉnh hội phân bổ cho mỗi xã 1 suất quà trị giá 300 nghìn đồng. Toàn huyện có 23 xã, tức là được 23 suất quà. Hiện, thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, huyện chỉ còn 17 xã, tức là chỉ có 17 nạn nhân chất độc da cam được nhận quà từ nguồn hỗ trợ này.

Trước đây, hàng năm Tỉnh hội cũng hỗ trợ cho huyện 1 suất làm nhà, 1 suất sửa nhà và 1 suất phát triển sản xuất dành cho nạn nhân chất độc da cam nhưng 4-5 năm trở lại đây không còn thấy khoản hỗ trợ này nữa", ông Lê Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hưng Nguyên cho biết.

Phần lớn nạn nhân chất độc da cam không có khả năng lao động hay tự phục vụ, nhiều gia đình có nguy cơ không có khả năng duy trì được nòi giống, hàng vạn người không được sống như người bình thường, nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm mẹ, làm vợ...

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam gặp khó vì... không được gây quỹ - 4
Ông Đinh Viết Hồng - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An: Nạn nhân da cam rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, xã hội.

Hơn ai hết họ rất cần được sự chia sẻ từ cộng đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các đối tượng này ở Nghệ An hiện rất khó khăn, khiến những người có trách nhiệm không khỏi day dứt.

Do nhiều lý do, từ năm 2017, tỉnh Nghệ An đã tạm dừng cho phép Hội hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh gây quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, bằng uy tín của các cá nhân, Tỉnh hội vận động được một số suất quà tặng hoặc hỗ trợ một phần kinh phí làm, sửa chữa nhà cửa cho các hội viên. Con số này quá khiêm tốn so với gần 14.500 nạn nhân cần hỗ trợ, giúp đỡ.

Tăng cường xã hội hóa

"Trong thời điểm chúng ta chưa thể buộc các công ty hóa chất của Mỹ chịu trách nhiệm đối với những người bị ảnh hưởng bởi nguồn chất độc này thì việc giúp đỡ, hỗ trợ, san sẻ một phần khó khăn cho các nạn nhân da cam là lương tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Một suất quà vào ngày Tết, một phần hiện vật vào Ngày nạn nhân da cam hàng năm có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ  giúp họ bớt phần khó khăn nhỏ về tài chính mà còn là động lực, niềm tin, là sự động viên để họ vơi bớt nỗi đau.

Chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh huy động nguồn xã hội hóa từ các cá nhân, doanh nghiệp gây quỹ để có nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên và hiệu quả cho các nạn nhân da cam...", ông Đinh Viết Hồng cho biết thêm.