Hết lòng vì những đứa trẻ "mang nỗi đau da cam" | Báo Dân trí

Hết lòng vì những đứa trẻ "mang nỗi đau da cam"

Tùng Nguyên Nam Thái

(Dân trí) - Suốt 8 năm, cô Võ Thị Đẹp (Tây Ninh) chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin tài trợ để xây dựng trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, xin tiền thuê giáo viên, xin tiền ăn cho trẻ ở trung tâm…

Người phụ nữ hết lòng vì những đứa trẻ "mang nỗi đau da cam"

Trường học của những đứa trẻ đặc biệt

Ghé thăm Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh vào một ngày cuối năm, chúng tôi cứ ngỡ đang tham quan một lớp mẫu giáo với những đứa trẻ to xác.

"Những đứa trẻ" được nuôi dưỡng ở đây đều khá lớn, có đứa đã đến tuổi thành niên nhưng vẫn đang ê a đánh vần, cúi gằm mặt đồ từng chữ cái… Bởi hầu hết các cháu ở đây đều bị thiểu năng trí tuệ, down, tự kỷ, một số thì khuyết tật vận động, liệt chi dưới, co rút cơ…

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 1

Những "đứa trẻ to xác" được chăm sóc và dạy dỗ tại trung tâm

Chỉ vào cậu bé đang cầm bút chì đồ chữ trên quyển tập viết lớp 1, cô Võ Thu Vân - Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh, bảo: "Con đọc từ 1 đến 10 cho các chú nghe đi".

Cậu bé hớn hở đọc rõ to từ 1 đến 10 với các giọng đớt đớt do chứng bệnh down khiến lưỡi dài và khó phát âm. Nhìn cậu bé lớn như hộ pháp lại hào hứng tập đếm như một đứa trẻ lớp 1 được cô giáo tuyên dương trước lớp mà ai cũng thấy cậu đang rất vui.

Đến bên cạnh cô bé bị thiểu năng đang đút cơm cơm một đứa trẻ tự kỷ, cô Vân bảo: "Bé này lúc vào trung tâm không tiếp xúc với ai, giờ thì hoạt bát hơn rồi, biết hát và giỡn, đặc biệt là cháu thích chăm sóc các em nhỏ, hay giúp các cơ đút cơm, đút thuốc, lau mặt cho các em".

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 2

Hơn 10 tuổi, các bé chỉ mới biết tập đồ chữ

Theo cô Vân, nhiều em lúc vào trung tâm không biết nói, có lẽ do ở nhà không ai nói chuyện với cháu. Sau một thời gian sinh hoạt ở trung tâm cùng nhiều đứa trẻ cùng cảnh, cháu bắt đầu tập nói bập bẹ rồi đến nay đã nói được tròn câu dù còn rất khó khăn, không rõ chữ, phải chú ý mới nghe rõ được.

"Các cháu vào đây hầu như đều là gia cảnh rất khó khăn, nhiều cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4. Cha mẹ cũng là nạn nhân chất độc da cam nên rõ ràng là điều kiện kinh tế, sức khỏe cũng hạn chế, khó chăm sóc các cháu tốt được, ai cũng đầu tắt mặt tối để lo kiếm ăn mà. Ở đây được cái là các cháu được ăn, được chơi, được dạy chữ, dạy kỹ năng sinh hoạt, chăm sóc y tế… mà gia đình không phải tốn kém đồng nào", cô Thu Vân cho biết.

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 3
Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 4

Ở đây, các bé được nuôi ăn, dạy học, vui chơi cùng bạn cùng cảnh

Ở đây không chỉ nuôi ăn, chăm sóc, dạy chữ, tập vật lý trị liệu cho các bé mà các cô còn cố gắng mày mò tìm tòi để dạy cho các bé biết làm những công việc đơn giản để kiếm thêm thu nhập.

Cô Võ Thị Đẹp - Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh - chia sẻ: "Khi các cháu lớn, đủ tuổi lao động thì chúng tôi cố gắng đào tạo nghề cho các cháu. Bé nào bị khuyết tật vận động mà đầu óc minh mẫn thì tìm nguồn vốn rồi hướng dẫn cháu bán vé số. Bé nào đầu óc kém mà lành lặn, khỏe mạnh thì dạy cháu rửa xe máy…".

Tại Trung tâm có 1 "thư ký" đặc biệt là em Phạm Thanh Trà bị chứng co cơ, co rút chân tay và méo miệng. Do chứng bệnh này mà em khó khăn đi lại, tay không cầm nắm được, nói chuyện khó khăn.

Trà được dạy tin học văn phòng để đánh máy thuê, soạn thảo văn bản; các kỹ năng kế toán cơ bản rồi nhận các hóa đơn, tiền lương về cho Trà làm để cháu có thêm thu nhập.

Em Trà vui vẻ cho biết: "Mỗi tháng em được cấp 200 - 400 ngàn đồng. Em làm được tiền nên em rất vui. Em để dành tiền này để khi nào xe ba bánh của em bị hư thì có tiền để sửa, không phải xin bố mẹ!".

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 5
Trà được dạy đánh máy tính và làm hóa đơn kế toán
Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 6
Em rất vui vì mỗi tháng kiếm được 200 - 400 ngàn đồng từ công việc này

Người phụ nữ hết lòng vì nạn nhân da cam

Tham quan cơ sở và thấy được hiệu quả hoạt động của trung tâm, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết trung tâm được vận hành hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Đặc biệt hơn, nguồn kinh phí này chủ yếu do cô Võ Thị Đẹp - Chủ tịch hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh Tây Ninh kiêm Giám đốc Trung tâm - vận động và chèo chống cho trung tâm hoạt động suốt 8 năm nay.

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 7
Cô Võ Thị Đẹp - Chủ tịch hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh Tây Ninh kiêm Giám đốc Trung tâm, người đã vận động xây dựng và chèo chống cho trung tâm hoạt động suốt 8 năm nay

Kể về những ngày đầu thành lập trung tâm, cô Đẹp cho biết: "Năm 2013, hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng các Trung tâm nuôi dưỡng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cô nghiên cứu lên đề án thành lập trung tâm này".

Tuy nhiên, thời điểm đó ngân sách khó khăn nên cô Đẹp xây dựng đề án thành lập trung tâm bằng nguồn xã hội hóa. Cô làm hồ sơ xin UBND tỉnh 1 mảnh đất nhỏ ở vùng ven thành phố Tây Ninh, rồi xin Trung ương hội hỗ trợ 500 triệu đồng, rồi vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tài trợ thêm 400 triệu đồng…

Cuối cùng cô cũng có được số vốn ban đầu để xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh đưa vào hoạt động từ tháng 6/2013. Đến nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng thường xuyên 25 cháu tại cơ sở và 5 cháu tại gia đình (bằng hình thức gửi chi phí chăm nuôi tại nhà).

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 8

Để có cơ ngơi 2 phòng học, nhà ăn, hội trường, phòng tập vật lý trị liệu... như hiện nay, cô Đẹp đã tìm kiếm nguồn tài trợ suốt 8 năm qua xây dựng dần dần

Cô Đẹp kể: "Nhu cầu các gia đình nạn nhân chất độc da cam muốn gửi trẻ vào trung tâm nhiều lắm. Nhưng vì thiếu thốn kinh phí, trung tâm chỉ nhận nuôi dưỡng bán trú nên chỉ có thể tiếp nhận các cháu sinh sống ở gần trung tâm cho tiện việc gia đình sáng đưa đến, chiều nhận về".

Theo cô Đẹp, ý nghĩa chính của trung tâm không chỉ là nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ để các cháu có thể phần nào tự lập mà còn để giải phóng sức lao động cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Bởi gia đình có con như vậy thì cha mẹ phải ở nhà chăm lo cho cháu, không thể đi làm tạo lập kinh tế.

Nay có trung tâm để gửi trẻ thì cha mẹ có thể đi làm, phụ giúp kinh tế gia đình đỡ khó khăn hơn. Nhờ đó mà hoạt động giảm nghèo trong các gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn.

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 9

Trung tâm không chỉ là nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ để các cháu có thể phần nào tự lập mà còn để giải phóng sức lao động cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 10

Nhu cầu các gia đình nạn nhân chất độc da cam muốn gửi trẻ vào trung tâm nhiều lắm. Nhưng vì thiếu thốn kinh phí, trung tâm chỉ nhận nuôi dưỡng bán trú nên chỉ có thể tiếp nhận các cháu sinh sống ở gần trung tâm.

Dù trung tâm hoạt động theo hình thức xã hội hóa nhưng công tác tài chính lại được hạch toán theo cơ chế của Hội Nạn nhân chất độc da cam, có báo cáo và giám sát của Sở Tài chính tỉnh. Nhờ sự minh bạch rõ ràng như thế, trung tâm ngày càng chiếm được niềm tin của các cá nhân, đơn vị từ thiện và nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều.

Cô Đẹp cho hay: "Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ của tổ chức VNAH để xây công trình lối đi dành cho người khuyết tật đi xe lăn, công trình vệ sinh... Năm 2019 hỗ trợ tiền ăn để nuôi dưỡng 25 cháu nạn nhân. Tổ chức VietHealth hỗ trợ dụng cụ phòng tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, cử nhân viên đến dạy và tập phục hồi chức năng cho các cháu. Tổ chức từ thiện Phật giáo Tzu Chi Đài Loan tại Việt Nam tài trợ xây dựng hội trường sinh hoạt chung…".

Hết lòng vì những đứa trẻ mang nỗi đau da cam - 11

Nhân viên tại trung tâm chủ yếu là người lớn tuổi

Tuy cơ sở vật chất ngày càng mở rộng hơn nhưng khó khăn lớn nhất của Trung tâm lúc này là nguồn lực giáo viên còn rất hạn chế bởi kinh phí hoạt động hạn hẹp.

Cô Võ Thu Vân chia sẻ: "Với mức trợ cấp 2 - 3 triệu đồng/tháng thì khó tuyển được người trẻ có chuyên môn, hiện nhân viên ở đây chủ yếu là người lớn tuổi có nhà gần trung tâm, hoặc người đã nghỉ hưu đến làm việc như là công tác tình nguyện, tạo niềm vui tuổi già và để phước cho con cháu".

"Nói chung là cũng còn nhiều khó khăn. Giờ mình cố gắng chăm sóc tốt các cháu đang được nuôi dưỡng tại trung tâm cái đã. Nếu kêu gọi xã hội ủng hộ được nhiều hơn thì mình triển khai mạnh hơn, cố gắng giúp được càng nhiều cháu càng tốt", cô Võ Thị Đẹp cho hay.