Hoàn thiện dự thảo nghị định mới về Luật phòng, chống mua bán người
(Dân trí) - Ngày 15/10, tại Hà Nội, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng dự thảo nghị định mới liên quan tới thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.
Đây cũng là hoạt động trong chương trình hợp tác giữa Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA),
Tham dự hội thảo có sự tham gia của bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, bà Park Mihyung - Trưởng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế IOM, ông Kobayashi Ryutaro - Phó trưởng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, các lãnh đạo các Bộ, đại diện các cơ quan địa phương liên quan.
Mặt trái hội nhập
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - cho biết, Luật phòng, chống mua bán người và các nghị định liên quan đã thực hiện được gần 10 năm.
Trong thời gian đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân nói riêng trở về đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp nhận xác minh bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đang đứng trước những khó khăn thách thức.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, quá trình hội nhập giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực quốc tế ngày càng sâu rộng dẫn đến việc Việt Nam không chỉ là quốc gia điểm đi mà còn là điểm đến của nạn nhân mua bán người. Việc phát triển kinh tế khác nhau giữa các vùng miền cũng làm gia tăng tình trạng mua bán người trong nội địa.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật về tiếp nhận bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với yêu cầu của các ngành trong tình hình hiện nay. Chế độ hỗ trợ, hệ thống dịch vụ và quy trình hỗ trợ nạn nhân còn gặp nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác hỗ trợ nạn nhân cộng đồng hiện nay còn hạn chế dẫn đến hiệu quả của công tác hỗ trợ hòa nhập chưa cao.
Nhiều nội dung mới
Chính vì vậy, việc xây dựng một dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người là điều cần thiết.
“Chúng ta cần rà soát đánh giá và nghiên cứu bổ sung một số chế độ dịch vụ cho phù hợp với tình hình thực tế. Mục đích của dự thảo lần này là khắc phục hạn chế, bất cập của Nghị định 09/2013/NĐ-CP, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ tốt nhất đối với nạn nhân và huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác hỗ trợ nạn nhân”, bà Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh.
Về cơ sở hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định một số điều về điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế- kỹ thuật đối với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân được thực hiện theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung một số điều về hỗ trợ nạn nhân. Đây là điều mà Nghị định số 09/2013/NĐ - CP chưa quy định, cụ thể: Về các chính sách, dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn chưa quy định cụ thể do đó mà dẫn đến việc thực hiện chồng chéo và thậm chí đôi lúc chưa thực hiện được.
Liên quan tới thời gian hỗ trợ cho nạn nhân trong các cơ sở bảo chữa xã hội, để đảm bảo tính đồng bộ, dự thảo nghị định quy định tối đa là 90 ngày, thay cho 69 ngày như hiện nay.
Về một số các chi phí, chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu, dự thảo Nghị định quy định những chính sách dịch vụ cụ thể đồng thời quy định việc nếu như nạn nhân có nhu cầu thì các cơ quan này có thể chuyển đổi các đối tượng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Về chế độ hỗ trợ về y tế các nạn nhân, quy định hiện nay là được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng đa số là các nạn nhân trong các quá trình bị mua bán trở về còn bị xâm hại, cưỡng bức và mắc nhiều bệnh nặng vượt ngoài khả năng của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Do vậy, dự thảo nghị định quy định, nếu vượt quá khả năng chi trả thì cơ sở hỗ trợ nạn nhân được tri trả khoản này.