1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Hơn 2.700 bộ đồ dùng thiết yếu giúp phụ nữ bảo vệ sức khỏe sinh sản và dịch bệnh Covid-19 sẽ được trao tới những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sáng ngày 22/3 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ tiếp nhận tài trợ 2.750 bộ đồ dùng thiết yếu hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tham dự Lễ bàn giao có Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà; bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; cùng Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Bình đẳng giới và đại diện của UNFPA tại Việt Nam…

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ các can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19" do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA ) và Chính phủ Úc tài trợ.

Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - 1

Lễ tiếp nhận tài trợ 2.750 bộ đồ dùng thiết yếu hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh Giáp Tống)

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã gửi lời cảm ơn tới các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và đặc biệt UNFPA đã quan tâm và chung tay với Bộ LĐ-TB&XH nhằm khắc phục các tác động tiêu cực đến người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định: "Những ảnh hưởng của dịch bệnh có thể là chất xúc tác khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là những yếu tố dẫn đến căng thẳng như bị giảm thu nhập, mất việc làm, những va chạm giữa các thành viên trong gia đình khi phải thực hiện giãn cách xã hội...".

Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại buổi Lễ.  (Ảnh Giáp Tống)

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp mạnh, trước hết là để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, sau đó là tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua việc ban hành kịp thời các chính sách về tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Việc thực hiện tốt các các chính sách về kinh tế sẽ góp phần giảm bớt khó khăn của người dân và từ đó giảm các tác động tiêu cực về mặt xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hợp tác của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam trong triển khai các hoạt động nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, gắn kết các hoạt động về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội để tạo điều kiện cho những phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, lao động nữ di cư,… được tham gia và thụ hưởng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong các quốc gia có nhiều thành tựu tốt nhất về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và giữ tăng trưởng dương về kinh tế trong thời gian đầy khó khăn này.

Thứ trưởng khẳng định: "Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong đó có UNFPA trong việc phối hợp cùng với các bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam để kịp thời triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19".

Theo đó, một trong những điểm sáng trong hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do UNFPA hỗ trợ, đó là lần đầu tiên Việt Nam đã thực hiện việc gửi hơn 4 triệu tin nhắn tới các thuê bao điện thoại với thông điệp kêu gọi chấm dứt bạo lực với phụ nữ.

Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - 3

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ. (Ảnh Giáp Tống)

Phát biểu tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Sự kiện này tiếp nối các sự kiện bàn giao bộ đồ dùng thiết yếu hỗ trợ phụ nữ trước đây giữa UNFPA và Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, có 16.246 phụ nữ đã được nhận đồ dùng".

Theo bà Naomi Kitahara, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có thể diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau như trong gia đình, tại nơi làm việc, khu vực công cộng và ngoài xã hội.

"Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là ưu tiên cần thực hiện đối với tất cả mọi người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước và không ai bị bỏ lại phía sau" - bà Naomi Kitahara cho biết.

Được biết, mỗi bộ có 21 đồ dùng thiết yếu nhằm giúp phụ nữ bảo vệ sức khỏe sinh sản và tình dục, giảm thiểu nguy cơ của bạo lực giới, bảo vệ trước dịch bệnh Covid-19.