"Hỗ trợ hộ nghèo, phải làm bằng cái tâm, không chỉ là nghĩa vụ"
(Dân trí) - "Triển khai công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cán bộ chức năng phải làm bằng cái tâm, trách nhiệm, chứ không làm bằng nghĩa vụ, phong trào", Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu tâm niệm.
Nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo
Thông tin tại hội nghị sơ kết thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vào chiều 9/3, bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao hơn so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, dù đã cố giảm nghèo.
10 năm qua, UBND tỉnh đã phân công 4.348 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ hơn 41.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo, với số tiền trên 137 tỷ đồng.
Theo bà Giang, đa số hộ nghèo, cận nghèo sau khi tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ đều có ý thức trong sử dụng đúng mục đích cho việc tạo kế sinh kế và thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, đã có 41.050 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đã thoát nghèo.
"Các cơ quan, đơn vị và địa phương đã tích cực tham gia, thực hiện việc nhận và hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhiệt tình tham gia, ủng hộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chủ trương của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện tốt công tác giảm nghèo của tỉnh trong 10 năm qua", bà Giang nhấn mạnh.
Nêu giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, Thượng tá Lê Quốc Phương, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, sau khi tiếp nhận số hộ nghèo được phân bổ, đơn vị xuống từng hộ gặp gỡ, tiếp xúc, nắm tình hình thực tế về điều kiện kinh tế, nghề nghiệp, số lao động chính trong gia đình… để thống nhất cách thức, biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ông Phan Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Đông (thị xã Giá Rai) cho biết, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo, từ đó thực hiện các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
"Cần phải làm tốt công tác đối thoại giảm nghèo, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo. Song song đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Cần nêu gương, động viên khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững; đồng thời, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo", ông Sử chia sẻ giải pháp giảm nghèo ở địa phương.
Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long nhấn mạnh, công tác điều tra hộ nghèo, cận nghèo hàng năm phải đảm bảo khách quan, trung thực. Từ đó, huyện chỉ đạo cán bộ, đảng viên được phân công phải trực tiếp khảo sát, tiếp xúc hộ nghèo, cận nghèo để biết hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản nào thì tập trung vận động, hỗ trợ dịch vụ đó.
"Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của hộ nghèo, cận nghèo nhưng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu việc làm tại huyện, để sau khi đào tạo, người dân có việc làm, góp phần nâng cao thu nhập", ông Ân chia sẻ.
Nói thêm giải pháp, ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trong việc tạo điều kiện cho hộ gia đình sản xuất cần phát triển các hình thức liên kết với một số doanh nghiệp, các hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân.
Chống tư tưởng giảm nghèo chạy theo thành tích
Nói về công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo 10 năm qua, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu bày tỏ: "Tôi thấy có nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị đích thân khảo sát nghèo. Có những cán bộ trực tiếp thăm hỏi, theo dõi xem các hộ nghèo làm ăn có hiệu quả hay không".
"Chủ trương từ đầu đề ra là tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị với hộ nghèo chặt chẽ, xem như người thân trong gia đình. Việc này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện cho cán bộ đi cơ sở, gần dân hơn", bà Ái Nam ghi nhận.
Theo bà Ái Nam, con số 137 tỷ đồng huy động giúp hộ nghèo, cận nghèo trong 10 năm qua đối với một tỉnh khó khăn là rất lớn. Các cán bộ, công chức, viên chức… vừa trích từ đồng lương, vừa bỏ công sức ra để làm công tác giảm nghèo là rất ý nghĩa.
Chỉ đạo công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị cấp ủy, chính quyền xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, thiết thực để nâng cao đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn.
"Trong đó, cần chống tư tưởng chạy theo thành tích giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là xây dựng nông thôn mới, bởi nếu giảm nghèo không bền vững thì người dân cũng rất dễ tái nghèo", bà Ái Nam lưu ý.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu khẳng định, tỉnh tiếp tục xác định duy trì, nâng cao chất lượng chủ trương cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo.
"Công tác này với phương châm trao cho người dân cần câu, hướng dẫn họ câu được con cá, chứ không cho con cá, hướng đến mục tiêu hộ nghèo phải thoát nghèo bền vững chứ không chỉ thoát nghèo.
Khi làm công tác hỗ trợ, giúp hộ nghèo thì làm bằng cái tâm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chứ không làm bằng nghĩa vụ, phong trào", bà Ái Nam tâm niệm.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đề nghị cơ quan Mặt trận tổ quốc, ban, ngành liên quan tăng cường giám sát công tác giảm nghèo, như trong công tác bình xét đưa vào, đưa ra hộ nghèo, hay chạy theo thành tích có vấn đề gì hay không. Bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục hộ nghèo ý chí vươn lên, có lòng tự trọng để cố gắng mình rời khỏi danh sách hộ nghèo.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bạc Liêu có 7.233 hộ nghèo (tỷ lệ 3,19%) và 12.055 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,32%).