Hậu Giang: Hàng chục nghìn người đã nhận được tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68
(Dân trí) - "Nghị quyết 68 được địa phương thực hiện trên tinh thần gấp rút, khẩn trương, nhanh nhất có thể để sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân bị ảnh hưởng do Covid", lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết.
Xã thành lập Ban Chỉ đạo
Xã Phụng Hiệp (thuộc huyện Phụng Hiệp) là địa bàn thuần nông của tỉnh Hậu Giang. Người dân quanh năm sinh sống bằng nghề trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.
Một số hộ dân khác buôn bán nhỏ, bán vé số, làm hồ nhưng từ khi dịch Covid xuất hiện cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, rất may Nghị quyết 68 ra đời rất kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Túc - Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết: "Nghị quyết này như "chiếc phao cứu sinh" cho hàng trăm người dân thuộc diện khó khăn của xã Phụng Hiệp".
Từ khi Nghị quyết 68 ra đời, lãnh đạo xã tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo gồm 17 thành viên để giám sát và thực hiện Nghị Quyết. Tất cả trình tự, thủ tục, đối tượng thụ hưởng được cán bộ thông báo sâu rộng đến các ấp nên người dân nắm vững, tiến hành đăng ký.
Theo ông Nguyễn Văn Thừa, Phó Chủ tịch xã Phụng Hiệp, qua 3 đợt tiếp nhận hồ sơ, đến nay xã đã chi 191 hồ sơ số với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng. Hiện còn 26 hồ sơ lao động tự do đang chờ UBND huyện xét duyệt để chi tiền hỗ trợ .
Ngoài việc hướng dẫn, xem xét chi tiền hỗ trợ cho người dân theo Nghị Quyết 68, lãnh đạo xã còn tranh thủ vận động các nguồn tài trợ và đến nay đã thực hiện 2 lần hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, khó khăn.
Mới đây, từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, xã vừa trao số tiền hỗ trợ này đến tay người dân, mỗi hộ nghèo một triệu đồng. Đồng thời, xã còn thành lập gian hàng 0 đồng/2 ngày/tuần để người dân khó khăn đến lấy rau, củ quả, gạo.
Ông Nguyễn Văn Nâu, một người dân thuộc hộ nghèo của địa phương cho biết: "Vừa qua tôi vừa nhận được tiền hỗ trợ và nhiều lần được cán bộ cho gạo, mì, sữa… Tôi cảm ơn Nhà nước đã quan tâm đến gia đình trong lúc dịch bệnh khó khăn".
Ông Nguyễn Văn Túc - Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết: "Tất cả các hồ sơ bà con gửi lên là được Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị Quyết 68 tổ chức họp xem xét ngay. Những hồ sơ nào đạt thì xã chuyển nhanh lên huyện. Và khi có tiền là chi ngay cho người dân. Còn hồ sơ nào không đạt giải thích cho bà con hiểu, không đúng đối tượng".
Triển khai nhanh, linh động
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, sau khi có Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã giao cán bộ ngành LĐ-TB&XH khẩn trương thẩm định hồ sơ để hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
UBND tỉnh Hậu Giang còn tổ chức tọa đàm với chủ đề, "Quyết tâm sớm đưa tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 đến người dân".
Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã chia sẻ về những điểm mới, quy trình, thủ tục, điều kiện, đối tượng thụ hưởng, cách làm của địa phương, của ngành trong thực hiện Nghị quyết số 68, qua đó, giúp người dân hiểu rõ chính sách hỗ trợ.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang, kết quả lũy kế tính đến ngày 21/8, Hậu Giang đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 6 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với số tiền hơn 54,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ tiền ăn cho hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công với Cách mạng theo pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng trong khu phong tỏa (theo nghị quyết của HĐND) với số tiền hơn 460 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ -TB&XH tỉnh Hậu Giang, việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg còn gặp khó khăn, nhất là công tác triển khai trong tình hình thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao đảm bảo kịp thời, đúng quy định và phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tỉnh đã triển khai 6 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với số tiền hơn 54,7 tỷ đồng
Trong đó, chính sách giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 39.294 lao động của 589 doanh nghiệp, tổng số tiền được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022), với số tiền hơn 11,5 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 68 lao động của 2 đơn vị với số tiền hơn 526 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế 964 người với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng, trong đó có 25 trẻ em; chính sách hỗ trợ 30 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị hưởng do đại dịch với tổng số tiền hơn 111 triệu đồng...
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 22.370 lao động người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), trong đó có 3.886 người bán vé số dạo với số tiền hơn 33,5 tỷ đồng.