Hàng triệu người cao tuổi ngóng tiền hưu trí xã hội mới

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo các đại biểu người cao tuổi, quy định người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí xã hội là một tin mừng mang lại niềm vui cho hàng triệu người già.

Mang lại niềm vui cho hàng triệu người cao tuổi

Ngày 6/12, tại TPHCM, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khai mạc chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác người cao tuổi năm 2024. Tập huấn diễn ra trong hai ngày (6, 7/12) với sự tham gia của Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của Sở LĐ-TB&XH, Hội người cao tuổi cấp tỉnh, phòng LĐ-TB&XH cấp huyện các tỉnh, thành phía Nam.

Hàng triệu người cao tuổi ngóng tiền hưu trí xã hội mới - 1

Hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác người cao tuổi các tỉnh, thành phía Nam (Ảnh: Tùng Nguyên).

Chương trình tập huấn là một trong những hoạt động chính trong Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi nhằm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, nâng cao năng lực, nhận thức, nghiệp vụ tổ chức thực hiện chính sách đối với người cao tuổi; trao đổi, thảo luận tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về người cao tuổi cho đội ngũ cán bộ làm công tác người cao tuổi...

Phát biểu khai mạc, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cho biết Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy người cao tuổi với hệ thống chính sách đầy đủ, chặt chẽ, nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần người cao tuổi được nâng cao, vai trò, vị thế của người cao tuổi trong đời sống xã hội đã được khẳng định.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương chú trọng thực hiện hệ thống pháp luật chính sách đối với người cao tuổi, bảo đảm thực hiện tốt hệ thống chính sách, các chương trình dự án đối với người cao tuổi nhằm bảo đảm đầy đủ về đời sống vật chất và tinh thần, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò, việc làm và sinh kế, các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí.

Về công tác hoàn thiện thể chế, trong năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 9 Luật có liên quan đến người cao tuổi. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là một bước đột phá mang lại niềm vui cho hàng triệu người cao tuổi.

Hàng triệu người cao tuổi ngóng tiền hưu trí xã hội mới - 2

Hạ điều kiện hưởng hưu trí xã hội là tin vui đối với hàng triệu người cao tuổi không có lương hưu (Ảnh minh họa: Minh Quang).

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lập, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chăm sóc, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết: "Nhiều cụ nghe tin luật được thông qua thì hạnh phúc lắm, mừng rỡ khoe "tôi sắp được nhận lương hưu rồi". Tuổi nhận hưu trí xã hội giảm từ 80 xuống 75, số tiền mỗi tháng cũng chỉ 500.000 đồng thôi nhưng hàng triệu cụ được hưởng là số tiền rất lớn".

Theo TS Nguyễn Ngọc Toản, Chính phủ và các bộ ngành vẫn không ngừng nghiên cứu, sửa đổi quy định tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi phát huy đầy đủ, toàn diện vai trò của mình, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Còn nhiều thách thức mang tính thời đại

Tuy đánh giá cao những chính sách ưu việt hiện nay dành cho người cao tuổi nhưng ông Nguyễn Xuân Lập vẫn bày tỏ lo ngại khi nhiều chính sách đã có nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở cơ sở.

Hàng triệu người cao tuổi ngóng tiền hưu trí xã hội mới - 3

Các đại biểu tham dự tập huấn (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Nguyễn Xuân Lập lấy ví dụ về nhiều cơ sở, công trình văn hóa, du lịch, giao thông... chưa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn để người cao tuổi tiếp cận và sử dụng một cách thuận lợi. Một số chính sách hỗ trợ trực tiếp người cao tuổi như chính sách miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông còn thực hiện chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Từ thực tế đó, ông cho rằng phải tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nghiên cứu, hoàn thiện, sắp xếp bộ máy, cán bộ phù hợp cho công tác này.

Thực tiễn đòi hỏi cần phải có bộ máy tổ chức, cán bộ chuyên trách về công tác người cao tuổi từ trung ương đến địa phương thì mới có thể ứng phó được các vấn đề xã hội phát sinh trong bối cảnh già hóa dân số nhanh như hiện nay.

Nhìn rộng ra, ông Nguyễn Ngọc Toản đánh giá người cao tuổi vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính thời đại như: Dịch bệnh, biến đối khí hậu, tiếp cận phát triển công nghệ… đòi hỏi cần có giải pháp đổi mới tiếp cận trong nghiên cứu, tổ chức thực thi chính sách đối với người cao tuổi.

Hàng triệu người cao tuổi ngóng tiền hưu trí xã hội mới - 4

TS Nguyễn Ngọc Toản đánh giá công tác chăm lo và phát huy vai trò của người cao tuổi đang gặp nhiều thách thức mang tính thời đại (Ảnh: Tùng Nguyên).

TS Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hệ thống lại 6 thách thức cơ bản mà người cao tuổi đang đối mặt là: Già hóa dân số; các vấn đề xã hội; khoa học và công nghệ số; biến đổi khí hậu; hội nhập và bối cảnh quốc tế; cuối cùng mới là các yếu tố thuộc về người cao tuổi.

Theo TS Nguyễn Hải Hữu, tốc độ già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, làm xuất hiện nhiều vấn đề cần ứng phó như: Phát triển hệ thống dịch vụ y tế để chăm sóc; chính sách an sinh; mô hình trợ giúp người cao tuổi; tạo việc làm cho người già... Chính sách không kịp thời thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, dẫn đến nhiều vấn đề xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Lập nêu bật vấn đề tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng cao. Điều đó cho thấy nền kinh tế, y tế của chúng ta đang phát triển, người già được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, tăng nhanh về số lượng, quy mô người cao tuổi là thách thức rất lớn mà đến các quốc gia giàu có cũng rất khó ứng phó.

Hàng triệu người cao tuổi ngóng tiền hưu trí xã hội mới - 5

Người cao tuổi hiện được chăm sóc tốt, sống lâu hơn nhưng cũng dẫn đến nhiều vấn đề xã hội cần giải pháp ứng phó (Ảnh minh họa: Minh Quang).

Tại chương trình tập huấn, TS Nguyễn Hải Hữu giới thiệu mô hình, giải pháp của một số quốc gia, bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý hoạt động bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở Trung ương và địa phương.

Để thực hiện được các giải pháp trên tại Việt Nam cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, xã hội nhằm xây dựng một hệ thống an sinh đủ lớn bao phủ toàn dân, có những chính sách hỗ trợ kịp thời chăm lo cho người cao tuổi và phát huy khả năng lao động, sáng tạo của họ.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả 5 chương trình sau:

Thứ nhất là nghiên cứu xây dựng dự thảo chiến lược về người cao tuổi và tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện luật pháp chính sách đối với người cao tuổi.

Thứ hai là triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, trong đó có chương quy định về trợ cấp hưu trí xã hội.

Thứ  ba là triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thứ tư là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, liên thông chia sẻ dữ liệu giúp người cao tuổi dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ năm là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác người cao tuổi, tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi.