Hàng loạt chủ doanh nghiệp bỏ trốn, 600 tỷ đồng nguy cơ thất thu
(Dân trí) - Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, trong năm 2022, do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới và lạm phát, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, bị giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô hoặc tạm thời ngừng hoạt động.
Trong đó, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức cao. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quyền lợi, chế độ của người lao động.
Ngoài ra, tình trạng người cầm sổ BHXH, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH để trục lợi vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp để ngăn chặn triệt để.
Trước những bất cập còn tồn tại, trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng công an tỉnh tiến hành rà soát các doanh nghiệp có số lao động lớn và số tiền nợ BHXH cao để mời lên làm việc.
Kết quả, cơ quan chức năng đã làm việc với 337 doanh nghiệp nợ bảo hiểm (trong đó có 232/337 đơn vị đã khắc phục nợ với số tiền là 76,5 tỷ đồng/127,8 tỷ đồng, đạt 59,9% so với tổng số nợ đọng của 337 doanh nghiệp).
Theo bà Phạm Thị Hương Tuyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, thu nợ. Đối với những doanh nghiệp nợ bảo BHXH dưới 3 tháng, Sở sẽ gửi văn bản nhắc nhở trước.
Riêng những đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên sẽ thanh tra đột xuất và xử phạt hành chính. Đối với những đơn vị nợ số tiền lớn, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, đề nghị khởi tố theo Quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương hiện đang quản lý khoảng 21.761 đơn vị với hơn 1 triệu lao động. Hàng năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh thu hơn 25 ngàn tỷ đồng, số tiền nợ hơn 600 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022, chiếm 2,43%).