1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hà Nội yêu cầu "mạnh tay" xử lý vấn nạn bạo hành trẻ em

An Linh

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo xử lý các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em khi gần đây, trên địa bàn xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận, bức xúc xã hội.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Giám đốc các sở, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường.

Hà Nội yêu cầu mạnh tay xử lý vấn nạn bạo hành trẻ em - 1

Hình ảnh cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất bị nhân tình của mẹ bạo hành thương tâm, hiện vẫn đang phải cấp cứu.

Các cơ quan, chính quyền địa phương được yêu cầu tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng ngừa và xử lý các đối tượng vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em.

UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, các thành viên trong gia đình về các quyền của trẻ em, trách nhiệm thực hiện quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em; đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em. Thường xuyên rà soát, kiện toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả thực hiện của đội ngũ cộng tác viên tại thôn, xóm, tổ dân cư đặc biệt trong công tác quản lý trẻ em nhằm phát hiện, báo cáo kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; lập hồ sơ quản lý, theo dõi, xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em, thực hiện báo cáo vụ việc theo đúng quy định.

Đối với các vụ án có liên quan đến hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em, UBND TP Hà Nội đề nghị TAND, Viện KSND tăng cường phối hợp với Công an thành phố; đồng thời chỉ đạo TAND, Viện KSND cấp huyện phối hợp với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em, tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra một số vụ bạo hành thương tâm đối với trẻ em, trong đó có vụ việc bố ruột đánh tử vong con khi dạy con học tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm. Trường hợp gây bức xúc dư luận phát sinh ngay trước Tết là vụ nhân tình của mẹ đánh đập nhiều lần, dã man hơn là đối tượng đóng đinh vào đầu trẻ 3 tuổi tại Thạch Thất, khiến cháu bé thập tử nhất sinh, hiện tại vẫn đang cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn.

Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, ngoài các cơ quan bảo vệ trẻ em do Bộ quản lý, cùng các cơ quan làm công tác trẻ em khác, việc phòng chống, ngăn chặn, bảo vệ và kịp thời tố giác tội phạm xâm hại, bạo hành trẻ em thuộc về gia đình, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Chính vì vậy, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, các lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi xâm hại trẻ em.