Gói kích thích kinh tế tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn do đại dịch
(Dân trí) - Thảo luận về Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các đại biểu Quốc hội tán thành với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Ngày 7/1, tại Phiên thảo luận trực tuyến về Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu dành thời gian nói về mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương), việc ban hành nghị quyết hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tại thời điểm này là cần thiết, kịp thời.
"Đặc biệt, tôi tán thành với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đây là những giải pháp thiết thực, hỗ trợ tích cực cho người dân. Đặc biệt là người nghèo, người yếu thế và các đối tượng chính sách khác đã và đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh", đại biểu Hoàn nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn TP Cần Thơ) đánh giá gói an sinh rất quan trọng, nhằm giải quyết nhiều vấn đề trực tiếp và gián tiếp cho người lao động và việc làm. Trong gói này, đại biểu thống nhất với việc tiếp tục chi đầu tư cho 21 trường cao đẳng nghề chất lượng cao của các bộ và 14 trường của các địa phương.
Còn theo đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, chuỗi sản xuất, cung - cầu toàn cầu. Dịch bệnh khiến cuộc sống của đại đa số người dân gặp khốn khó, hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, doanh thu của doanh nghiệp từ đó cũng giảm sút.
"Tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với giải pháp tài khóa, tiền tệ và huy động nguồn lực là con số rất lớn so với các gói hỗ trợ từ trước tới nay. Có được gói hỗ trợ này, doanh nghiệp và người dân được tiếp sức, sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt", đại biểu đoàn Điện Biên cho hay.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, khi thực hiện gói kích thích kinh tế phải đảm bảo phát huy hiệu quả, đặc biệt ở nhóm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cần đúng đối tượng. Theo đại biểu, mục tiêu, nội dung gói kích thích, hướng tới cần tránh phân tán nguồn lực, tránh việc dồn nguồn lực vào các kênh đầu tư không phản ánh thực chất thực tế quy luật cung cầu, quy luật giá trị.
Theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh), chính sách cần lựa chọn đúng và trúng đối tượng trong giai đoạn phục hồi, dư địa chính sách dần thu hẹp. Đồng thời, chính sách cần được tập trung hơn, đặc biệt chú trọng vào những doanh nghiệp lớn, có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế.
"Cần hỗ trợ an sinh xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động. Việc hỗ trợ nhà trọ, tiền sinh hoạt hàng tháng cho người lao động bị thất nghiệp chỉ là giải pháp tình thế. Gốc rễ vẫn là bài toán việc làm, nuôi dưỡng doanh nghiệp chính là chìa khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội trong thời điểm này", đại biểu đoàn Bắc Ninh nêu.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong, kinh doanh cá thể… cần được đặc biệt quan tâm trong đại dịch cũng như trong các quyết sách hậu đại dịch.
"Tôi thống nhất cao với mục tiêu trong tờ trình về bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động. Để đạt được mục tiêu này, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với nguồn lực là 53,15 nghìn tỷ đồng" đại biểu nói và đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động di cư về quê.