Gói hỗ trợ tiền thuê nhà 6.600 tỷ có thể hoàn thành đúng hạn?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Theo Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hoàn thành việc triển khai chính sách thì gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cơ bản thực hiện được.

Gần đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử đoàn công tác tới TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để đẩy nhanh việc hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Đây là 3 địa phương này có hơn 2,35 triệu lao động dự kiến hưởng hỗ trợ (cả gói có 3,4 triệu lao động hưởng.

"Nếu TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hoàn thành việc triển khai chính sách thì gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cơ bản thực hiện được", ông Huy khẳng định.

Tiến độ triển khai tại nhiều địa phương rất chậm

Theo Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy, mục đích của Quyết định 08 nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động "thu hút", "giữ chân" người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Nguyên tắc hỗ trợ là trên cơ sở đề nghị của người lao động đang ở thuê, ở trọ, đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai tại nhiều địa phương rất chậm, chưa kịp thời chia sẻ được khó khăn với người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Huy chỉ rõ, nguyên nhân chính của việc đến thời điểm hiện nay số hồ sơ được phê duyệt chưa nhiều là do người lao động, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần nên đến tháng 7/2022, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà 6.600 tỷ có thể hoàn thành đúng hạn? - 1

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Bên cạnh đó, Phó cục trưởng Cục Việc làm cũng nêu nguyên nhân khác như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.

"Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động nhưng đến khi thực hiện, một số địa phương lại máy móc.

Người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú... kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động", ông Huy cho biết.

Ngoài ra, người sử dụng lao động có tâm lý sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.

Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.

Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.

Từ những nguyên nhân nêu trên, Phó cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cần phải đôn đốc, tổ chức các bộ phận trực kỹ thuật để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị của người lao động, người sử dụng lao động nhất là tại địa phương nhiều lao động như TPHCM, Đồng Nai...

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị UBND các tỉnh tập trung vào thực hiện tuyên truyền chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và chủ cơ sở cho thuê trọ; đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; khẩn trương xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động để người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà gửi UBND cấp huyện phê duyệt trước ngày 15/8/2022.

Làm tại TPHCM, trọ ở Bình Dương, Đồng Nai có được nhận tiền hỗ trợ?

Đề cập đến thắc mắc của nhiều người lao động về việc ở trọ trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai mà hàng ngày qua TPHCM làm việc có thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà, Phó Cục trưởng Cục Việc làm kiến giải cụ thể.

Ông Huy giải thích, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM đều ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Cụ thể, Quyết định nêu rõ chính sách hỗ trợ áp dụng với người lao động đang làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; không quy định về nơi ở thuê, ở trọ. Do vậy người lao động đang ở trọ tại Bình Dương, Đồng Nai mà đang làm việc tại TPHCM đều thuộc đối tượng hỗ trợ tiền thuê nhà.

Ông Huy nhấn mạnh, người lao động không nhất thiết phải làm việc trên địa bàn đang thuê trọ.

"Người lao động chỉ cần làm đơn đề nghị theo mẫu và có xác nhận của chủ nhà trọ để gửi doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị để gửi Bảo hiểm xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Người lao động không phải nộp kèm theo bất kỳ giấy tờ gì, kể cả hợp đồng thuê nhà hoặc giấy đăng ký tạm trú,…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề nghị các địa phương phổ biến tới chủ trọ trách nhiệm trong xác nhận người lao động thuê nhà, trường hợp không ở đó thì có thể ủy quyền cho người quản lý nhà trọ.

Ngày 15/8/2022 là hạn cuối doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động đến UBND cấp huyện. Nếu triển khai quyết liệt thì TPHCM và các tỉnh thành khác có thể hoàn thành được", ông Huy nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà 6.600 tỷ có thể hoàn thành đúng hạn? - 2

Người lao động làm tại TP.HCM nhưng trọ ở Bình Dương, Đồng Nai vẫn thuộc đối tượng được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Từ việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, phó cục trưởng Cục Việc làm lưu ý một số giải pháp.

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được quan tâm nhiều hơn, nhiều người lao động, doanh nghiệp do chưa hiểu thấu đáo về chính sách nên lo ngại, sợ liên lụy nên từ chối, không lập hồ sơ đề nghị. Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cần phải có sự tham gia quyết liệt của công đoàn cơ sở, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương.

Thứ hai, địa phương nào mà cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao và thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc thì sẽ nhanh chóng thực hiện được, nhất là người đứng đầu phải quyết liệt. Thời gian qua, các địa phương phải căng mình bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động nên khi có quyết định 08, một số địa phương chậm ban hành hướng dẫn.

Thứ ba, công đoàn cơ sở, ban quản lý các khu công nghiệp phải tăng cường rà soát, hướng dẫn người lao động thực hiện các quy định của pháp luật, kịp thời hỗ trợ người lao động lập hồ sơ đề nghị đúng thời hạn.