Thanh Hóa:

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Đã rà soát được nhiều đối tượng thuộc các nhóm

Trần Lê

(Dân trí) - Nhiều sở, ngành, đơn vị bước đầu đã rà soát được hàng trăm đối tượng thuộc các nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Công tác rà soát cẫn đang được các địa phương khẩn trương thực hiện.

Ngày 26/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa có báo cáo Bộ LĐ-TB&XH về tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, đến ngày 24/7, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã nhận được kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23) của 22/27 huyện, thị xã, thành phố.

Nhiều huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Đã rà soát được nhiều đối tượng thuộc các nhóm - 1

Nhiều huyện, thị xã, thành phố tại Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ.

Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo quyết định của UBND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gửi các sở, ban, ngành có liên quan tham gia ý kiến góp ý; dự kiến trình UBND tỉnh trước ngày 31/7/2021.

Theo kết quả rà soát có 6.370 đơn vị, doanh nghiệp với 264.336 lao động được giảm mức đóng với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 12 tháng (tính từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022) là hơn 74,5 tỷ đồng.

Theo thông tin do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cung cấp, dự kiến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 295 người là viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ (gồm: 195 hướng dẫn viên du lịch và 100 viên chức hoạt động nghệ thuật); kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 1 tỷ đồng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tiếp tục rà soát, thống kê số lượng cụ thể, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa theo quy định.

Qua nắm bắt thông tin từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này có 3 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, gồm: Công ty may Xuân Lam, huyện Thọ Xuân với 122 lao động; nhu cầu vay 1,1 tỷ đồng; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân với 9 lao động, nhu cầu vay là 83 triệu đồng; Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ điện Tín Nghĩa, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân với 11 lao động, nhu cầu vay là 100 triệu đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thọ Xuân và huyện Thường Xuân hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thiết lập hồ sơ đề nghị vay vốn, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân vốn vay theo quy định.

Về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, đến hết ngày 21/7, toàn tỉnh này có 299 trẻ em đã hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung, 105 trẻ em đang thực hiện cách ly y tế tập trung và 7 trẻ em đang điều trị Covid- 19.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố đang rà soát, lập danh sách đối tượng đang điều trị Covid-19, cách ly y tế và hướng dẫn thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.

Cục Thuế tỉnh cũng đang chỉ đạo Chi cục thuế huyện, thị xã, khu vực rà soát, lập danh sách các hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt.

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.