Hưng Yên:
Góa phụ "chân voi" với khát khao nuôi 2 con ăn học
(Dân trí) - Mắc căn bệnh quái ác không thể chữa khỏi, một người phụ nữ ở Hưng Yên phải sống chung với đôi chân to dị thường suốt 20 năm qua.
Về thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên hỏi chị Phạm Thị Tỉnh (42 tuổi) ai cũng biết bởi hoàn cảnh của chị rất đặc biệt. Năm 15 tuổi, chị Tỉnh thấy đôi chân bị ngứa, lở loét, từng mảng da bị lột ra. Chị được bố mẹ đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh rồi phải chuyển lên Hà Nội.
Tại Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương, chị được chẩn đoán mắc bệnh phù voi giun chỉ, không chữa khỏi được.
Từ đó, đôi chân của chị dần bị to lên, xuất hiện từng ngấn dị dạng khiến việc sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống của chị phải gắn liền với đủ loại thuốc uống hàng ngày để kiềm chế, không cho bệnh nặng thêm và hoạt động đi lại đỡ đau buốt.
"Nếu không có thuốc duy trì là người tôi lại bị sốt cao, chân bị lở loét, lột da như rắn lột xác, 2 chân tê bì, đau nhức nhối, phải nằm một chỗ", chị Tỉnh nói. Đôi chân ngày càng to ra như "chân voi", "cây chuối hột", chị phải đặt may quần theo kích cỡ riêng. Định kỳ hàng năm, bác sĩ của Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương lại về thăm khám và phát thuốc cho chị.
Tự ti về "đôi chân voi" thô ráp, chị Tỉnh không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng nhưng đến năm 28 tuổi, anh Nguyễn Văn Tiến, là người xã bên ngỏ lời cưới chị. Vợ chồng chị bảo nhau làm ăn, vun vén cho tổ ấm nhỏ và dìu nhau vượt qua bệnh tật.
Hai cô con gái Nguyễn Thị Kim Anh (13 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hà (10 tuổi) chào đời là động lực để anh chị vượt lên nghịch cảnh. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, anh Tiến đột ngột qua đời lúc chị Tỉnh mới sinh bé Hà được 12 ngày. Tang thương liên tiếp ập đến khi mẹ đẻ khuất núi sau ngày chị cúng cơm cho chồng.
Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận ẩn sâu trong ánh mắt đượm nét buồn của chị là chất chứa những nỗi niềm riêng mà chỉ những ai rơi vào cảnh mất đi chỗ dựa lúc ốm đau, túng quẫn, con cái nheo nhóc mới thấu. Nghĩ đến 2 con thơ dại, chị Tỉnh nuốt nước mắt vào trong, tìm kế sinh nhai.
Công việc chính của chị là bóc tâm sen thuê, hàng tháng kiếm được không nổi một triệu đồng. Vào mùa nhãn, chị lại làm long nhãn kiếm thêm nhưng việc thời vụ này, thu nhập cũng bấp bênh. Chị Tỉnh nói: "Làm ngày không đủ, tôi còn nhận hàng về làm buổi tối. Ngồi nhiều chân tôi đau nhức lắm nhưng đây là công việc duy nhất giúp tôi kiếm được tiền nên phải cố".
Là hộ nghèo của thôn, chị nhận được khoản trợ cấp 540.000 đồng/tháng. Trước đây, chị vẫn cố gắng cấy hai sào ruộng lấy gạo ăn nhưng 4 năm nay phải bỏ hoang ruộng sau trận ốm thập tử nhất sinh, bác sĩ khuyến cáo không được lội ruộng vì việc đó làm cho bệnh tình trở nặng hơn.
Người thân, họ hàng cũng khó khăn nên chỉ có lời thăm hỏi, động viên tinh thần. Thu nhập ít ỏi, mẹ con chị Tỉnh chi tiêu tằn tiện, rau cháo qua ngày. Thương mẹ vất vả, hai con gái chị Tỉnh hiếu thảo, chăm chỉ học hành, đỡ đần mẹ việc nhà và tranh thủ đi làm thuê cùng mẹ lúc nghỉ học.
Mỗi lần mẹ ốm, 2 cô con gái bắc bếp nấu cháo hoa cho mẹ húp, lấy sức uống thuốc. Người làng Nội Lễ không còn xa lạ với hình ảnh người phụ nữ "chân voi" chở 2 con trên chiếc xe đạp cà tàng đi làm thuê bất kể mưa nắng dãi dầu, chân nào đau thì đạp bằng chân còn lại.
Chị Tỉnh tâm sự, sau trận ốm nặng cách đây 7 năm, chị đã nghĩ đến tình huống nếu bị liệt phải cho đứa lớn đi làm con nuôi nhà khác. Mấy năm sau có nhà sư đến thăm đã ngỏ lời nhận nuôi giúp một con để chị bớt đi gánh nặng.
Hai cô con gái nghe thấy liền ôm mẹ khóc và nói dù phải ăn cơm với muối cũng xin được ở lại nên chị cố gồng mình nuôi con. "Mẹ con tôi cũng may được bà con chòm xóm và chính quyền thương tình quan tâm, giúp đỡ. Các con tôi đi học cũng được thầy cô giáo giúp đỡ sách vở, một phần tiền học", chị Tỉnh chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Viên, năm 2017, Hội đã kêu gọi ủng hộ tiền và ngày công giúp chị Tỉnh sửa lại căn nhà 20m2 bị xuống cấp, rồi mua giường chiếu, bàn ghế, còn thừa một khoản tiền trao lại cho chị để nuôi con và phòng thân lúc ốm đau.
Trong những ngày dịch bệnh bùng phát vừa qua, chị Tỉnh không lên được bệnh viện ở Hà Nội khám bệnh, mua thuốc, phải mua thuốc ở nhà để uống cho giảm đau. Nỗi lo lớn nhất của chị Tỉnh bây giờ là bệnh tình ngày càng nặng mà không có tiền điều trị, các con phải bỏ học giữa chừng, tương lai mờ mịt. "Tôi chỉ mong ông trời cho sức khỏe để gắng gượng nuôi con học hết đại học", chị Tỉnh nói.