1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Giao nhà cho con trai, mẹ già bao năm không dám về quê ăn Tết

"Mấy năm nay, tôi không về quê ăn Tết, không biết con trai có hương đăng cho các cụ và bố nó chu đáo không hay lại để ban thờ lạnh lẽo", bà cụ tâm sự.

Đang loay hoay trồng cây đào vào chậu, bà cụ hàng xóm sang chơi và hỏi tôi mua hoa sớm vậy. Tiện miệng, tôi hỏi bà: "Nhà bà đã chuẩn bị Tết được nhiều chưa ạ? Bà ăn Tết ở đây hay về quê vậy?".

Nghe thấy tôi hỏi, bà lặng đi một lát rồi mới nói: "Tôi ăn Tết ở đây thôi, chứ về quê làm sao được nữa". Nói rồi bà bỏ chiếc dép ra kê xuống ngồi, giãi bày chuyện nhà mình.

Giao nhà cho con trai, mẹ già bao năm không dám về quê ăn Tết - 1

Ảnh minh họa: PX

Bà sinh được 6 người con. Hiện tại ở quê có con trai cả và hai con gái lấy chồng cùng làng. Con trai thứ hai do làm ăn thất bát nên bỏ vào miền Nam trốn nợ. Một con gái lấy chồng và làm việc ở Hà Nội. Bà đang ở nhà con gái út.

Các con đều có nhà riêng đàng hoàng. Riêng con trai cả có hai đứa con đang làm việc ở Nhật Bản.

Trước đây, hai ông bà không ở cùng con trai mà ở trong căn nhà của tổ tiên để lại. Cả nhà, đất, vườn cũng hơn 200m2. Cách đây gần chục năm, ông mất, còn mình bà. Các con gái lo bà ở một mình buồn, lúc trái gió trở trời không có ai bên cạnh. Vậy nên sau khi xong giỗ đầu cho ông, các con gái đón mẹ về, nay bà ở nhà này, mai ở nhà kia.

Sau khi sang nhà mới cho ông xong, bà gọi các con về và nói sẽ giao lại căn nhà tổ tiên để lại cho con trai trưởng để sau này lo cúng giỗ. Mọi người đều nhất trí với quyết định của bà. Dù trước đây, khi ông còn sống, những ngày giỗ chạp hay công chuyện gì, vợ chồng con trai trưởng đều kệ bố mẹ và các em làm. Cỗ dọn ra, hai vợ chồng mới đến, đã thế còn hạch sách chê bai nọ kia.

Mọi người rất khó chịu trước thái độ của họ, nhưng không ai nói để cho yên cửa, yên nhà. Bà nghĩ là trước đây, bố mẹ chưa giao quyền cho vợ chồng con trưởng nên chúng có cớ để dựa dẫm, làm mình làm mẩy. Còn bây giờ được giao quyền thừa kế thì chúng sẽ làm tròn phận sự con trưởng.

Giao nhà xong, vợ chồng con trưởng yêu cầu sang tên cả trên sổ đỏ mới đồng ý nhận. Sau đó, do không hợp với con dâu, và để tránh xung khắc, bà đến nhà con gái út ở.

Những tưởng bà đã làm tròn trách nhiệm, có thể yên tâm nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, để con trai trưởng thay mình trông nom từ đường, thờ cúng tổ tiên những dịp giỗ, Tết... Song, sổ đỏ ký còn chưa ráo mực, vợ chồng con trưởng đã bán ngay ngôi nhà, không hề bàn bạc hay nói với mẹ và các em một tiếng.

Khi thấy người ta đến dọn đồ, chuẩn bị xây nhà khác, mọi người mới biết. Bà và các con gái muốn chuộc lại căn nhà, nhưng không được. Bán nhà được một khoản tiền lớn nhưng vợ chồng con trưởng không đưa cho mẹ và các em đồng nào. Thậm chí mẹ đang ở với em gái út, cũng không đưa cho em một xu một hào để nuôi mẹ.

Chuyện càng ngày càng tồi tệ hơn. Sau khi bán nhà, những ngày kỵ nhật, hai vợ chồng con trưởng vẫn như trước, không hề chuẩn bị hay nhắc nhỏm đến. Dù tuổi đã cao, ốm yếu, không đi được ô tô, nhưng đến các ngày giỗ, bà vẫn phải thuê xe ôm đi mấy chục kilomet về quê.

Do nhà từ đường không còn, bà phải làm giỗ ở nhà con trưởng nhưng khi họ hàng đến ăn giỗ, con dâu mặt nặng như chì, động chút là gắt gỏng, đá thúng đụng nia. Thái độ vô cùng khó coi. Bị bà nhắc, nàng dâu còn sống sượng: "Đó không phải là việc và trách nhiệm của tôi. Về đây làm giỗ ồn ào, bẩn hết nhà cửa, lại khổ tôi phải dọn dẹp".

Nghe thấy con dâu nói vậy, bà nhìn con trai xem có ý kiến gì không? Nhưng nhận lại là sự yên lặng như đồng tình với vợ. Trước thái độ đó của con mình, bà đau lòng nhưng cũng chẳng biết nói sao được nữa. Bà chỉ biết hối hận vì không sớm nhận ra sự bội bạc, vô ơn của chúng, để bây giờ rơi vào tình cảnh không có nhà để về.

Mấy người họ hàng đến ăn giỗ, nghe thấy con dâu bà nói vậy đều lắc đầu ngán ngẩm. Ai cũng bảo bà những năm sau chỉ nên thắp hương thôi. Mọi người không muốn đến để chứng kiến sự hỗn hào của con dâu bà nữa.

Bà kể đến đây, nước mắt rơm rớm nhìn xa xăm. Ngồi một lát, bà lại ngậm ngùi nói: "Vì thế bấy lâu nay, mỗi lần về quê có việc, tôi đều ở nhà hai con gái đấy chứ. Có ở nhà con trai đâu. Vợ nó bảo, về ở ngày nào thì phải đưa tiền ăn ngày đó. Nó không có tiền, cũng không có thời gian. Tốt nhất, bà về nhà con gái cho tình cảm.

Cũng may tôi còn có mấy đứa con gái và mấy anh con rể tốt nết. Các anh ấy nói, nếu bác cả không nuôi, bà muốn ở với ai cũng được. Ai cũng có thể lo cho bà chu đáo. Bà cứ yên tâm. Vậy là tôi có con trai cũng như không, nhà cửa đi về chẳng còn, phải ăn nhờ ở đậu nhà con gái.

Mấy năm nay, tôi không về quê ăn Tết, không biết rồi con tôi nó có hương đăng cho các cụ và bố nó chu đáo không hay lại để bàn thờ lạnh lẽo. Thấy bảo chúng nó thường xuyên đóng cửa đi chơi bời hay du lịch đó đây, cùng bạn bè của chúng".

Nghe xong chuyện của bà, tôi thấy vừa thương bà vừa buồn vì cách ăn ở của con trai, con dâu bà. Không biết họ nghĩ sao mà đối xử với mẹ mình như vậy? Họ có nghĩ đến tương lai về già? Nếu con cái họ mà theo gương thì sao? Cũng chẳng biết đâu được, bởi các cụ xưa đã dạy: "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó" mà.

Lê Huyền (Ninh Bình)

Theo vietnamnet.vn