Giám sát, thẩm định hồ sơ xin thoát huyện nghèo quốc gia
(Dân trí) - Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.
Tổng kinh phí cần giải ngân 2024 rất lớn
Sáng 22/4, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) thoát khỏi huyện nghèo quốc gia.
A Lưới là huyện miền núi vùng cao, biên giới phía tây Thừa Thiên Huế, với dân số 14.343 hộ/54.402 khẩu, trong đó hộ người dân tộc thiểu số chiếm 76,8%.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, A Lưới là 1 trong 74 huyện nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025 và là huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.
Đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB&XH đã kiểm tra một số dự án thuộc các chương trình MTQG, công tác hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo, thăm mô hình giảm nghèo bền vững tại A Lưới.
Qua giám sát thực tế và làm việc với lãnh đạo huyện A Lưới, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng, kết quả giảm nghèo của huyện A Lưới năm 2022, 2023 rất ấn tượng, đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, quyết liệt triển khai giải ngân nguồn vốn và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình MTQG trên địa bàn theo quy định.
Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình, cơ sở hạ tầng tại huyện A Lưới đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Trong thời gian tới, thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý A Lưới cần có giải pháp quyết liệt để tăng tốc giải ngân vốn năm 2024.
"Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm cần giải ngân 2024 của huyện rất lớn, trong khi đó kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp rất thấp, nhiều dự án, tiểu dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 50% vốn được giao và nguy cơ đến hết năm 2024 không đạt nếu không có giải pháp quyết liệt", Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chỉ đạo huyện A Lưới rà soát, báo cáo làm rõ kết quả của từng dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của chương trình đến hết quý I/2024 để có phương án, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao.
Bảo đảm đến hết 30/6, hoàn thành giải ngân 100% vốn từ năm 2022, năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024.
A Lưới cần đặc biệt quan tâm đến các dự án hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Phấn đấu hết 2024 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện A Lưới; hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, dạy nghề, việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng; đảm an sinh xã hội cho người dân.
Một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, đến cuối năm 2021, toàn huyện có tổng số nghèo đa chiều là 65,55%; trong đó có 7.022 hộ nghèo (chiếm 49,98%) và 2.185 hộ cận nghèo (chiếm 15,55%), là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.
Thời gian qua, toàn huyện A Lưới đã tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế cho người dân, giúp tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo của A Lưới giảm còn 3.485 hộ, chiếm 24,30%; có 2.235 hộ cận nghèo, tỷ lệ 15,58%.
Kết quả thẩm tra, đánh giá đến thời điểm cuối năm 2023, A Lưới đạt 25 điểm theo hệ thống chỉ tiêu của các tiêu chí xác định huyện nghèo.
Căn cứ kết quả đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, A Lưới đảm bảo điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng nghèo theo quy định năm 2024.
Các tiêu chí sau khi đạt được, huyện A Lưới duy trì tính bền vững, phát huy, tăng cường sự lãnh chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, đưa huyện A Lưới thoát nghèo bền vững.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã phân tích thực tế, đánh giá các mặt được, chỉ ra những điểm tồn tại hạn chế trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện A Lưới. Các đại biểu lưu ý địa phương cần bảo đảm tính bền vững, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng, chi tiết để hỗ trợ người dân, nhất là ở các địa bàn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết việc tập trung nguồn lực giúp A Lưới thoát huyện nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Ông Bình yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ A Lưới tháo gỡ các khó khăn, tăng tốc giải ngân nguồn vốn các chương trình, bảo đảm thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đặc biệt chú trọng tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.