Bình Định:
Nữ chủ tịch hội sinh ra để làm từ thiện, lan tỏa yêu thương
(Dân trí) - Không đơn giản là hỗ trợ gói mì tôm, hay bao gạo, công tác từ thiện ở huyện Hoài Ân (Bình Định) đã trao "cần câu cơm" tạo sinh kế giúp người nghèo, qua đó lan tỏa tình thần tương thân tương ái.
Từng làm chuyên viên Văn phòng Huyện ủy rồi chuyển công tác tại Huyện đoàn với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, tương lai sáng lạng, song bà Ngô Thị Kim Anh chọn cho mình ngã rẽ ít ai ngờ khi xin làm nhân viên Hội Chữ thập đỏ huyện, sau đó làm Chủ tịch Hội, rồi gắn bó với công việc đã trên 15 năm.
Bà Ngô Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định - mới đây chia sẻ với Dân trí về công tác làm từ thiện trên địa bàn huyện.
Sinh ra để làm từ thiện
Thưa bà, đâu là cơ duyên để bà chọn công tác từ thiện và gắn bó suốt hơn 15 năm?
- Công việc làm Hội Chữ thập đỏ để đi làm từ thiện đến với tôi như một cơ duyên, cứ như tôi sinh ra để làm từ thiện. Mỗi lần đi giúp đỡ mọi người về, tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng, chẳng phải suy nghĩ sân si gì cả, thấy tâm tính con người cũng thay đổi.
Nhiều hoàn cảnh tôi phải tự về tận địa phương để xác minh. Mỗi khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, tôi có cảm giác như người thân của mình. Khi vận động được nhà hảo tâm giúp đỡ, trong lòng vui mừng cứ như tôi được nhận cái gì.
Cũng phải nói từ khi tôi qua làm ở Hội Chữ thập đỏ, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm, động viên để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện cho tham gia nhiều lớp tập huấn viên của tỉnh, Trung ương.
Có lẽ đam mê và kết quả công việc cũng như ý nên tự nhiên công việc cứ gắn bó với tôi đến giờ.
Trao "cần câu cơm" giúp người nghèo, lan tỏa yêu thương
Hoài Ân là huyện trung du, 10 năm trước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, bà có cách làm gì để kêu gọi sự giúp đỡ, qua đó tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo, đồng thời lan tỏa những giá trị yêu thương đến cộng đồng?
- Cách đây 13 năm, từ nguồn của Hội Hữu nghị Việt - Pháp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định mua bò giống cấp cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng cao, vùng khó khăn, trong đó có huyện Hoài Ân.
Những hộ được nhận bò giống có cuộc sống đỡ vất vả hơn sau khi bò mẹ đẻ bò con, bò con đẻ bò cháu… Thậm chí, có hộ dư giả tiền để sửa chữa lại nhà ở khang trang, cho con cái cơ hội đi học nghề, tạo lập cuộc sống.
Nhận thấy việc hỗ trợ bò giống mang lại hiệu quả cao, những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân triển khai cho các Hội Chữ thập đỏ cơ sở vận động, quyên góp, mua bò tặng cho hộ khó khăn là người dân trong xã.
Trước khi vận động quyên góp, Hội tổ chức khảo sát thực tế, đưa ra nhân vật cụ thể cần giúp đỡ. Khi biết hoàn cảnh thực tế, mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ, bởi họ biết đồng tiền quyên góp sẽ trao cơ hội thoát nghèo đến những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Tùy vào điều kiện từng địa phương mà Hội sẽ linh động trao "cần câu cơm". Ví như bò giống chỉ trao cho những hộ ở miền núi, hoặc những hộ dân ở những vùng có điều kiện nuôi gà thì hỗ trợ gà giống để phát triển chăn nuôi, giúp dân thoát nghèo…
Trong năm nay, khi thấy nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Tây hồi sinh, Hội Chữ thập đỏ xã vận động, trao tiền hỗ trợ cho những đối tượng "dễ bị tổn thương" mua tằm về nuôi.
Nhận được 500.000 đồng không phải là lớn, nhưng họ mua được 2 hộp tằm, sau khi nuôi bán được 6-7 triệu đồng và cứ thế càng ngày họ càng nhân rộng quy mô nuôi.
Năm nay, ngay từ đầu năm, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động được 3.339 suất quà với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Người "xin tiền" uy tín
Dành cả thanh xuân đi "xin tiền" làm từ thiện, điều gì làm bà tâm đắc trong suốt 15 năm qua?
- Dịp Tết Trung thu vừa qua, nhiều đêm tôi trằn trọc không biết kiếm đâu ra 10 triệu đồng để mua bánh kẹo làm quà trung thu cho các cháu đồng bào thiểu số ở các xã vùng cao.
Tôi chia sẻ tâm nguyện muốn làm chương trình "Trung thu cho em" với khoản tiền cần có lên Facebook, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. Khoảng 22h đêm hôm ấy, điện thoại ting ting, tôi kiểm tra thì thấy tài khoản của mình vừa được cộng 10 triệu đồng. Người chuyển tiền là một người Hoài Ân đang làm việc tại TPHCM, tôi mừng đến nỗi giữa khuya mà gọi điện khoe với chị em.
Trong ký ức của nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân đầy ắp những kỷ niệm khó quên, song mỗi lần xin được tiền từ các mạnh thường quân lòng tôi còn vui hơn người được nhận hỗ trợ.
Không chỉ giúp cảnh ngặt nghèo, công tác từ thiện ở huyện Hoài Ân còn tạo sinh kế để những đối tượng dễ bị tổn thương bớt khổ, có thêm tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Định kỳ hàng tháng, các thành viên của CLB Người tình nguyện huyện Hoài Ân đi cấp phát gạo định kỳ mỗi tháng 1 lần cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người già, người đau yếu, người neo đơn, người khuyết tật.
Cách đây 2 năm, khi dịch Covid-19 bùng phát nặng nề ở TPHCM. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể từ thôn, xã trên địa bàn huyện Hoài Ân, đặc biệt bà con nhân dân rất hăng hái quyên góp các sản phẩm nông nghiệp với tinh thần của ít, lòng nhiều tiếp sức cho miền Nam, kèm thông điệp nghĩa tình "hướng về Sài Gòn thân yêu".
Người dân ở quê nhà trồng được gì mang góp nấy, người góp túi ớt, túi chanh, người vài cân gạo. Thậm chí, có vợ chồng cụ già nhường 5 gói mì tôm dành để ăn sáng, 1kg gạo mang đến quyên góp.
Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng mở 2 lớp dạy bơi miễn phí vào dịp học sinh nghỉ hè để phổ biến kiến thức phòng tránh đuối nước cho học sinh.
Kinh phí mở lớp dạy bơi, Hội cũng xin tiền làm, thầy dạy bơi là những cán bộ Phòng Giáo dục huyện và 1 thanh niên ở địa phương được đào tạo chuyên môn bài bản và được cấp chứng chỉ dạy bơi.
Họ đứng lớp với tinh thần từ thiện, mỗi lớp như thế có 30 em được dạy bơi và nắm bắt kiến thức phòng tránh đuối nước. Nhờ đó, tình trạng học sinh bị đuối nước trong những mùa mưa lũ trên địa bàn được giảm thiểu rõ rệt, thậm chí có em đi thi đạt giải cao trong tỉnh.
Theo bà, để hoạt động Hội Chữ thập đỏ ở địa phương đi đúng hướng và hiệu quả thì phải làm gì?
- Người làm công tác Chữ thập đỏ phải sâu sát, thấu hiểu được những đối tượng dễ bị tổn thương, xem họ cần gì, muốn gì và phải xác minh rõ ràng. Khi hiểu rõ được đối tượng khó khăn thì mới kêu gọi giúp đỡ, khi đó mới tạo được uy tín và làm tốt được công việc.
Nếu chỉ nghe một chiều mà đã vận động mạnh thường quân giúp đỡ thì sẽ xảy ra những ý kiến trái chiều và làm giảm uy tín của Hội. Các nhà hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ khi mọi vấn đề chúng ta làm minh bạch.