Triển khai Chương trình mục tiêu QG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh, thực hiện Chương trình giảm nghèo (2015-202), 5 năm qua, thu nhập của người nghèo tại Việt Nam đã tăng 2 lần.
Đánh giá về kết quả Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2015-2020, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, các kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, hiện tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh trên cả nước, nếu năm 2015 cả nước ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo đạt 9,88% năm 2015, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,75% năm.
Bình quân, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%/năm, chỉ tiêu giảm 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm, chỉ tiêu: giảm 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,4%/năm, chỉ tiêu: giảm 4%/năm.
Thu nhập của người nghèo tăng hơn 2 lần trong 5 năm vừa qua. Hơn 13.000 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Thanh, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình giảm nghèo khoảng 120.000 tỷ đồng; trong đó gồm nguồn vốn trung ương chiếm khoảng 35%, vốn huy động xã hội chiếm khoảng 41%, vốn ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chiếm khoảng 24%.
Và kết quả, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
"Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác giảm nghèo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn. Do đó, có nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 32 huyện, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 125 xã và 1.298 thôn hoàn thành Chương trình 135; khoảng 24.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư.
Về hạn chế, khó khăn, lãnh đạo Bộ cho biết, hiện kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo và tỷ lệ hộ nghèo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 61,28% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Đặc biệt, sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng qua số liệu về chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 (20% dân số giàu nhất) và nhóm 1 (20% dân số nghèo nhất) năm 2014 là 9,7 lần tăng lên 10 lần vào năm 2018.
Phần lớn người nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu sinh kế và việc làm, thu nhập không ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50% ở vùng lõi nghèo (huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo).
Vùng lõi nghèo có điều kiện tự nhiên rất khó khăn và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển, mức sống của người dân còn thấp so với các vùng miền khác trong cả nước.
Để thực hiện Chương trình giảm nghèo Quốc gia giai đoạn 2021-2025, mục tiêu giảm nghèo được đặt ra cụ thể, rõ ràng: Đơn cử như tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm...
Về nguồn ngân sách thực hiện, Chương trình giảm nghèo Quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần tối thiểu hơn 75.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 28.000 tỷ đồng.
Vốn ngân sách địa phương là hơn 11.600 tỷ đồng và vốn huy động xã hội khác là hơn 15.130 tỷ đồng.
Bộ LĐ-TB&XH đặt ra 6 giải pháp cụ thể, trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
"Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo"", ông Thanh nêu rõ.
Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua và triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm nghèo bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Chính phủ đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, ban hành Kế hoạch triển khai; thực hiện thủ tục thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động của chính quyền giai đoạn 5 năm, hằng năm và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giám sát và thực hiện. Thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét, tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bộ đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình. Hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang xem xét, tổ chức thẩm định Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công.