Giảm năm đóng bảo hiểm có giúp hạn chế rút BHXH một lần?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Giảm năm đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm tiến tới 10 năm có thể giảm thiểu tình trạng "cắm" sổ bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cả nước có khoảng 55 triệu lao động, hơn 20 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động, có khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua sẽ gây hệ lụy lâu dài với tương lai người lao động và chính sách an sinh xã hội.

Đảm bảo "của để dành" cho người lao động

Giảm năm đóng bảo hiểm có giúp hạn chế rút BHXH một lần? - 1

Luật bảo hiểm xã hội đang được đề nghị sửa đổi, trong đó có đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để nhận lương hưu, từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu. Khi đó, lương hưu được tính bằng tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm dài khiến nhiều lao động không chờ được, đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Việc này, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì. Hiện nay, việc soạn thảo luật sửa đổi đã tới khâu hoàn tất hồ sơ thủ tục với 12 nhóm cải cách chính sách. Năm 2023, dự thảo luật sửa đổi sẽ được trình ra Quốc hội.

Một trong những sửa đổi quan trọng là giảm dần số năm đóng Bảo hiểm xã hội để người lao động hưởng lương hưu. Cụ thể, theo Bộ trưởng Dung, hướng điều chỉnh là sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới có thể là 10 năm để đảm bảo người lao động có thể tiếp cận lương hưu sớm. Thực tế, với nhiều lao động, thời gian đóng bảo hiểm 20 năm quá dài, không theo được.

Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động; xử lý vấn đề quan trọng là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng bảo hiểm ít, khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm dài hơn.

Quan điểm định hướng chỉ đạo khác là xử lý nghiêm các trường hợp, lợi dụng sự khó khăn của công nhân để mua bán chuyển đổi sổ bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo luật cũng đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay, chính sách khuyến khích người lao động theo hộ nghèo tham gia bảo hiểm là hỗ trợ 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%, Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng thông lệ này.

Giảm năm đóng bảo hiểm có giúp hạn chế rút BHXH một lần? - 2

Giảm năm đóng bảo hiểm có thể giảm thiểu tình trạng "cắm" sổ bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần (Ảnh: N.Duy).

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, TS. Phạm Thị Thu Lan cho rằng, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm để người lao động nhận lương hưu là cần thiết. 

Giảm thời gian đóng bảo hiểm để nhận lương hưu không ảnh hưởng đến các quyền lợi của người lao động khi về già như chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, bảo hiểm y tế… Đây cũng là biện pháp để người lao động tiếp cận được mạng lưới an sinh xã hội và giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. 

Rút bảo hiểm một lần, thiệt đơn thiệt kép

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm TPHCM cho biết, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ mất đi nhiều quyền lợi. Cụ thể, toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó không được bảo lưu. Người "về một cục" không được hưởng chế độ ốm đau, hưu trí, khám chữa bệnh do bảo hiểm chi trả. Khi về già, họ không được hưởng chế độ tử tuất, không được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ hưu trí,...  

Giảm năm đóng bảo hiểm có giúp hạn chế rút BHXH một lần? - 3

Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Phan Văn Mến.

Ông Mến cho biết thêm, bình quân một người phải đóng tiền Bảo hiểm xã hội là 2,64 tháng lương/năm. Khi rút bảo hiểm xã hội một lần, họ chỉ được hưởng 1,5 tháng, ở thời điểm trước năm 2014 và 2 tháng nếu sau năm 2014. Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động nếu rút bảo hiểm 1 lần. 

Khi rút tiền Bảo hiểm xã hội 1 lần đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp, việc đã rút bảo hiểm xã hội một lần khiến người lao động không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ví dụ, nếu người lao động đã lỡ rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ không được hưởng chính sách từ Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc khi nghỉ hưu sẽ được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế với quyền lợi chi trả lên đến 95% chi phí khám chữa bệnh. Trong khi những người mua bảo hiểm y tế tự nguyện chỉ được hưởng tối đa 80%...

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm và tiến tới 10 năm sẽ giúp cho người lao động lớn tuổi khi tham gia bảo hiểm có thể nhận lương hưu.

Bên cạnh đó, để hạn chế người lao động rút bảo hiểm 1 lần, ông Quảng khuyến cáo, cần tạo niềm tin cho họ với các chính sách và đảm bảo thu nhập với mức sống tối thiểu...

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022, số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là 496.000 người, tăng so với cùng kỳ là 0,25%. Xu thế này dự báo có thể còn tăng do tác động của dịch, khó khăn trong kinh tế - xã hội và biến động của thị trường lao động.

Dương Thùy