Giải quyết việc làm cho người nghiện góp phần giữ bình yên gia đình, xã hội

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện cả nước có gần 200.000 người nghiện ma túy, tại ĐBSCL có từ 30.000-40.000 người nghiện.

Chiều 28/6, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, cùng đoàn công tác của Chính phủ, đã tham dự Hội nghị trực tuyến về phòng chống tội phạm ma túy và mua bán người, chống buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả, với các địa phương ĐBSCL.

Hội nghĩ diễn ra ngay sau buổi khảo sát của Phó Thủ tướng đến các cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm y tế điều trị Methadone, ARV ở Hậu Giang, Cần Thơ vào sáng cùng ngày.

Hoàn thiện chế độ với người làm công tác phòng chống, cai nghiện ma túy

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm.

Giải quyết việc làm cho người nghiện góp phần giữ bình yên gia đình, xã hội - 1

Quang cảnh cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện cả nước có gần 200.000 người nghiện ma túy, tại ĐBSCL có từ 30.000 - 40.000 người nghiện. Thời gian qua, 13 tỉnh đồng bằng có nhiều sự quan tâm đến phòng, chống ma túy, cai nghiện - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá.

Khu vực này có 12 cơ sở cai nghiện, riêng Hậu Giang chưa có và đang nhờ TP Cần Thơ gửi đối tượng vào. 

"Tại 12 cơ sở hiện nay còn nhiều bất cập về cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ nhân viên y tế. Thời gian tới chúng tôi đề nghị 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL ưu tiên đáp ứng chỗ cai nghiện làm sao toàn bộ số người nghiện ma túy được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, giáo dục thay đổi hành vi, điều trị cai nghiện ma túy. Đặc biệt là hỗ trợ dạy nghề, giải quyết công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện góp phần giữ bình yên cho xã hội, gia đình" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh. 

Giải quyết việc làm cho người nghiện góp phần giữ bình yên gia đình, xã hội - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội nghị.

Ngoài chính sách cho người nghiện ma túy, Thứ trưởng đề xuất ưu tiên đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, người làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. 

Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cùng các dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng cần được rà soát, kiện toàn về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị cai nghiện theo đúng quy định pháp luật. 

"Tôi đề nghị các Bộ, các ngành tập trung hoàn thiện các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, những người làm công tác phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy, đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho nghề. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, nhất là trong việc hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện. Chỉ đạo cơ sở y tế các tuyến cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện", Thứ trưởng phát biểu.

Vì sao khó xác định tình trạng nghiện?

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, do tình hình các chất ma túy ngày càng đa dạng, nhiều ma túy mới thẩm lậu vào Việt Nam, khiến việc xác định tình trạng nghiện ngày càng khó khăn, thách thức.

Đến nay, khu vực ĐBSCL chỉ điều trị Methadone cho hơn 2.600 người nghiện tại 30 cơ sở điều trị Methadone (chiếm 5% số đang điều trị trên cả nước).

Bộ Y tế đánh giá ĐBSCL cơ bản xác định tình trạng nghiện tại trạm y tế trên 70% số xã, trong đó 4 tỉnh đã đạt 90% số xã - đảm bảo xác định tình trạng nghiện.

Theo bà Hương, việc người điều trị Methadone phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày đã và đang tạo gánh nặng cho cơ sở y tế, khó đảm bảo người nghiện duy trì liên tục, lâu ngày dễ dẫn đến bỏ trị hoặc tái điều trị nhiều lần. 

Nhân viên y tế tham gia cung cấp điều trị Methadone cho các đối tượng đặc biệt lâu ngày, chế độ chính sách hỗ trợ ngoài lương hạn chế, hoặc không có nên muốn nghỉ việc.

Giải quyết việc làm cho người nghiện góp phần giữ bình yên gia đình, xã hội - 3

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận hội nghị.

Bộ Y tế nêu một số kiến nghị, cho phép bổ sung các chế độ chính sách cho nhân viên y tế tại cơ sở điều trị Methadone bình đẳng, công bằng giống với ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Cho phép người nghiện điều trị Methadone được mang thuốc về nhà sử dụng tối đa 7 ngày. 

"Bộ Y tế sẽ nghiên cứu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế, cũng như bệnh nhân có thể gián đoạn điều trị, bỏ điều trị trong thời gian ngắn - dễ dàng quay lại điều trị mà không làm tăng thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng điều trị..." - Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.

Giải quyết việc làm cho người nghiện góp phần giữ bình yên gia đình, xã hội - 4

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm hỏi người cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Cần Thơ đặt tại địa phận Hậu Giang.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thông tin, cả nước có 3 địa phương chưa có trung tâm cai nghiện ma túy là Hậu Giang, Kon Tum, Đắk Nông. Các địa phương xem xét chuẩn bị nguồn quỹ đất, từ nay đến cuối năm bố trí nguồn kinh phí để xây dựng 3 trung tâm này.

Các địa phương cũng cần bố trí khu đất liền kề khoảng 10ha để làm mô hình sản xuất nông nghiệp cho các đối tượng cai nghiện được học tập, tạo việc làm ổn định, bền vững…