"Giải quyết hồ sơ tồn đọng về người có công luôn là việc ưu tiên"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Trong công tác xác nhận hồ sơ công nhận người có công, người làm chính sách luôn tâm niệm, những người đã hy sinh cho đất nước phải được xem xét, xác nhận để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời.

Trong số này phải kể đến Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 58 Điều và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Ưu tiên rà soát hồ sơ tồn đọng về người có công 

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục người có Công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng so với trước, pháp lệnh 2020 (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhưng vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công nhận và tôn vinh người có công với cách mạng, với đất nước; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công trong thời chiến và thời bình để đảm bảo xác định đúng đối tượng, không để sót đối tượng và khắc phục tình trạng lọt đối tượng và lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.

Giải quyết hồ sơ tồn đọng về người có công luôn là việc ưu tiên - 1

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục người có Công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Ảnh: Tống Giáp).

Bên cạnh đó, Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi 2020) cũng có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sỹ và bổ sung thêm đối tượng có công với cách mạng như người bị địch bắt, tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975, người được Nhà nước khen tặng Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Cục trưởng Cục Người có công cho biết công tác xác nhận, công nhận người có công là một điểm nhấn quan trọng lĩnh vực thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xác nhận và giải quyết chính sách đối với người có công theo nội dung phân cấp; tổ chức các đoàn công tác để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các địa phương.

Trong đó, tập trung vào giải quyết hồ sơ tồn đọng, giải quyết chế độ cho các trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tri ân người có công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện còn nhiều trường hợp sự hy sinh, cống hiến là có thật, nhưng do không thể có đầy đủ giấy tờ hồ sơ gốc theo như các quy định, nên cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về vấn đề này, Cục trưởng người có công cho biết, trong thực tế, các trường hợp hồ sơ tồn đọng gửi tới Cục Người có công chủ yếu là các hồ sơ đã được lập tương đối đầy đủ, chỉ thiếu chứng cứ, nên các chuyên viên của Cục phải về tận địa bàn để xác minh, tìm hiểu.

Trong nhiều năm, với vai trò chuyên môn, tham mưu về chính sách, Cục Người có công đã hướng dẫn các địa phương giải quyết vướng mắc trong quá trình xem xét, xác nhận người có công. Trách nhiệm của đơn vị là chỉ trao đổi định hướng, còn các địa phương cần thực hiện theo quy định của pháp luật trong lập hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng cũng như thân nhân của họ.

Giải quyết hồ sơ tồn đọng về người có công luôn là việc ưu tiên - 2

Người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội (Ảnh: Giáp Tống).

"Đến nay, các hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết một cách căn bản. Với số hồ sơ còn tồn đọng, chúng tôi đã có văn bản trao đổi với các địa phương và yêu cầu nhanh chóng bổ sung hoàn thiện để có thể giải quyết tiếp.

Hiện nay, hành lang pháp luật chính nhằm giải quyết các hồ sơ tồn đọng áp dụng theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020", ông Lợi cho biết.

Người hy sinh cho đất nước phải được đền đáp

Nói về khó khăn của những người làm chính sách trong công tác xác nhận hồ sơ công nhận người có công, lãnh đạo Cục người có công cho rằng khó khăn nhất chính là việc đi tìm chứng cứ.

"Có trường hợp, người làm chứng cho người hy sinh thực ra không chiến đấu cùng đơn vị. Có trường hợp khai chết ở trong nhà tù, chúng tôi phải tới tận nơi xác minh. Có trường hợp mất tin, mất tích, chúng tôi phải xem xét kỹ hồ sơ lưu trữ bên cơ quan Công an. Công việc này, nhiều khi giống như "mò kim dưới đáy bể" vậy.

Đến nay, vẫn còn những đối tượng tồn đọng sau chiến tranh. Có những người bị thương, bị chết mà không còn giấy tờ nào để chứng minh. Trong khi đó, việc xác nhận, thẩm định hồ sơ thương binh, liệt sĩ thời bình đặt ra chặt chẽ hơn.

Theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách mở rộng đối tượng hơn nhưng quy định cũng được chuẩn hóa hơn. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, những người thực sự có cống hiến, hy sinh cho đất nước phải được xem xét, xác nhận để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước", ông Lợi chia sẻ.

Theo ông Lợi, hiện nay các văn bản, quy phạm pháp luật về quy trình, thủ tục xác nhận người có công có thể chưa lường hết được khó khăn của thực tiễn. Trong quá trình thực hiện, có nhiều tình huống phát sinh, nên chính sách thường xuyên phải có sự bổ sung cho phù hợp với thực tế cuộc sống.