Giải pháp nào hiệu quả trong việc phòng, chống mại dâm?
(Dân trí) - Trong giải pháp phòng, chống mại dâm, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, ngoài tăng mức xử phạt, cần chú trọng công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm, người hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống mại dâm, như: Tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, triệt phá, thí điểm mô hình "Phòng chống tệ nạn xã hội 3 trong 1"…
Từ đó, đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống mại dâm, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho rằng, tình hình hoạt động mại dâm nơi này, nơi khác trên địa bàn tỉnh có lúc vẫn còn diễn biến phức tạp.
Địa bàn hoạt động mại dâm chủ yếu là các xã, phường, thị trấn nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1 và một số khu vực trong TP Bạc Liêu. Gần đây, xuất hiện trở lại hình thức gái bán dâm mời chào khách ở một vài tuyến đường, quán cà phê thuộc địa bàn TP Bạc Liêu.
Theo ông Nguyễn Hùng Thái, công tác phòng, chống mại dâm hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được ban hành năm 2003 đến nay đã có số nội dung không còn phù hợp như khái niệm về mua dâm, bán dâm... nhưng chưa được điều chỉnh. Mức xử phạt hành vi mua bán dâm còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Một số tuyến dưới chưa quan tâm, còn bị động trong chỉ đạo thực hiện việc phòng, chống mại dâm, khi có tâm lý trông chờ vào sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của tuyến trên; từng lúc, từng nơi công tác quản lý Nhà nước còn chưa sâu sát đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là số cơ sở dễ lợi dụng kinh doanh để hoạt động mại dâm.
Người bán dâm thường xuyên thay đổi nơi ở nên gặp khó trong công tác quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu Nguyễn Hùng Thái cho biết, tỉnh đặt ra mục tiêu là phòng ngừa và làm giảm các tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; thiết lập, tạo các điều kiện để người bán dâm được dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội (y tế, tâm lý, pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm,…).
Một số giải pháp mà ngành LĐ-TB&XH đưa ra là các cấp, các ngành cần đưa công tác phòng, chống mại dâm vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và giai đoạn, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để ổn định an ninh, trật tự, là điều kiện, động lực cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Quan tâm đầu tư kinh phí nhà nước để thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác này, trong đó chú trọng việc hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm, người hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Cần tăng cường hướng dẫn
Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu đề xuất: Bộ LĐ-TB&XH cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh các văn bản pháp luật về phòng, chống mại dâm, đảm bảo phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Để ngày càng nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (trong đó có mại dâm), Bộ cần hướng dẫn cụ thể về cơ cấu, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương, nhất là cơ cấu, tổ chức bộ máy thuộc Sở LĐ-TB&XH.
UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống mại dâm; chủ động nắm tình hình, đề ra các biện pháp, giải pháp có hiệu quả trên địa bàn quản lý; huy động các ngành, đoàn thể tham gia thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.