1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Giải cứu" bệnh nhân khỏi những hóa đơn viện phí tiền tỷ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Có chứng bệnh mà bác sĩ phải sử dụng nhiều loại thuốc quý hiếm, kỹ thuật y tế tiên tiến với giá vật tư rất cao để cứu sống bệnh nhân. Những hóa đơn viện phí trị giá hàng tỷ đồng là không hiếm.

Tháng 9/2020, bé Vũ Hoàng Sơn (8 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) phát hiện bệnh ung thư máu, phải hóa trị nhiều lần từ đó đến nay chưa hoàn tất, mỗi đợt hóa trị tấn công tiêu tốn hàng chục triệu đồng.

Như đợt hóa trị tháng 9/2022, chỉ riêng tiền viện phí là hơn 60 triệu đồng. Rất may là bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi trả 53 triệu đồng, gia đình cùng chi trả số tiền 7 triệu đồng. Nếu tính cả quá trình điều trị hơn 2 năm qua, số tiền mà BHYT chi trả cho bé Sơn có thể lên đến cả tỷ đồng.

Chị Lương, mẹ bé Sơn cho biết: "May mà có BHYT chịu phần lớn chi phí điều trị mà nhà tôi mới có thể gắng gượng chữa bệnh cho con đến hôm nay".

Giải cứu bệnh nhân khỏi những hóa đơn viện phí tiền tỷ - 1

Viện phí của bé Sơn trong đợt hóa trị tháng 9/2022.

Trường hợp chị Lê Thị Thảo (37 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) càng khó khăn hơn khi chị rơi vào tình trạng suy kiệt nghiêm trọng sau ca mổ tim vào tháng 3.

Để giữ mạng sống cho Thảo, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 phải thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu với chi phí cao như thở máy xâm nhập để kiểm soát sức khỏe, đặt bóng đối xung động mạch (IABP) để hỗ trợ tim, lọc máu liên tục (CRKT), hỗ trợ tuần hoàn cơ học ngoài cơ thể (V-A-ECMO)…

Chỉ sau hơn 1 tháng điều trị, tổng số tiền viện phí của bệnh nhân Thảo là 1 tỷ 274 triệu đồng. Sau khi được BHYT chi trả, gia đình bệnh nhân phải đóng hơn 358 triệu đồng.

Theo anh Mai Tèo (chồng chị Thảo), không có BHYT, anh không thể vay mượn ở đâu ra số tiền hơn 1 tỷ đồng để trả viện phí cho vợ.

Giải cứu bệnh nhân khỏi những hóa đơn viện phí tiền tỷ - 2

Chỉ sau hơn 1 tháng điều trị, tổng số tiền viện phí của bệnh nhân Thảo là 1,274 tỷ đồng.

Trường hợp BHYT chi trả hàng tỷ đồng như trên không hiếm. Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2022 có 64 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỷ đồng. Quý I/2023, có 8 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 1 tỷ đồng. Trong số đó có những bệnh nhân được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 3 đến 4 tỷ đồng.

Tính tổng thể, trong năm 2022, toàn quốc có 150,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền đề nghị thanh toán hơn 106.682 tỷ đồng.

Nhiều năm nay, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới cả tỷ đồng/năm.

Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận...

Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT.

Danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm, bệnh máu không đông, thuốc tim mạch…

Mặc dù thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo đều đắt tiền, có giá lên đến hàng chục triệu đồng cho một liều sử dụng nhưng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán.

Ngoài ra, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả chi phí hơn 9.000 dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế. Trong đó có các thủ thuật tiên tiến, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim…

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6, cả nước có 90,89 triệu người tham gia BHYT, tăng 4,35 triệu người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86% dân số.