Giấc mơ lên cạn của "anh Hùng tàn tật"
(Dân trí) - Lên cạn, có một thước đất cắm dùi đang là giấc mơ chưa thành với anh Hùng, người duy nhất ở xóm chài Thành Công được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Chống nạng, bán tăm mưu sinh
Con thuyền nhỏ khoảng 15m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi) neo đậu ở khúc sông Hạc, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa nóng ran khi mặt trời lên đỉnh.
Anh Hùng đưa tay với chiếc chậu, múc nước dưới sông hắt lên mái tôn cho đỡ nóng. Nhưng cũng chỉ được một lúc, mái tôn lại phả hơi nóng hầm hập xuống khoang thuyền.
"Hôm nay trời nóng quá, đi bán tăm mà cả người ướt đẫm mồ hôi, hàng hóa lại ế ẩm nên vợ chồng tôi đành ra về", anh Hùng nói.
Bố mẹ đẻ anh Hùng là người sông nước, anh cũng được sinh ra và lớn lên từ một khoang thuyền. Trong 9 anh em, anh Hùng thiệt thòi nhiều khi bị tật nguyền bẩm sinh.
Anh Hùng kết hôn với chị Nguyễn Thị Nga cũng là người sông nước ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, thêm một gia đình nhỏ hình thành dưới mái thuyền. Lần lượt 2 con của anh chị là Nguyễn Văn Hào và Nguyễn Văn Mạnh ra đời.
Bị tàn tật, hai chân của anh Hùng teo tóp, bàn chân phải thóp nhỏ hẳn lại. Tật ở chân khiến từ việc sinh hoạt đến tìm kế sinh nhai của anh Hùng đều phụ thuộc vào đôi nạng gỗ.
Nghịch cảnh là vậy, song anh Hùng không bỏ cuộc. Hôm nào khỏe, anh cùng con trai cả rong ruổi các khúc sông đánh cá. Rạng sáng, tay nạng, tay đồ, vợ chồng anh lại dắt díu nhau đi bán tăm, kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống trên thuyền vốn chông chênh theo con nước, vì thế anh Hùng muốn cho con được học chữ, có tấm bằng cũng khó. Hào, cậu con trai đầu năm nay 16 tuổi nhưng đã phải bỏ học từ 5 năm trước cùng bố đi đánh cá, chèo thuyền thuê nuôi sống gia đình.
Nhà có 4 nhân khẩu, 3 người đi kiếm ăn nhưng việc mưu sinh dưới sông nước cũng như trên cạn đều rất khó khăn, cuộc sống của gia đình xoay vần với chuyện cơm áo gạo tiền.
"Vợ chồng tôi đi bán tăm, hôm được, hôm không. Thấy thương hoàn cảnh, nhiều người rủ lòng thương, người thì mua tăm, người thì cho tiền, chúng tôi đùm bọc nhau qua ngày bữa đói, bữa no", anh Hùng thở dài.
Giấc mơ lên cạn
Năm 2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa có chỉ thị về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông. Nghe cán bộ phường thông tin về chủ trương, anh Hùng cũng như người dân "xóm ngụ cư" vui mừng lắm.
Niềm vui ấy được nhân lên khi năm 2012, ông Nguyễn Văn Chinh (bố của anh) cùng với 35 hộ dân khác ở xóm chài Thành Công được nhà nước cấp đất, hỗ trợ làm nhà, xây dựng cuộc sống mới ở khu tái định cư.
"Nhìn mọi người có cuộc sống mới trên bờ mà lòng tôi cũng háo hức, vui lây. Tôi từng mơ về cuộc sống ấy, khi mưa bão không lo trôi thuyền, nắng nóng không phải chạy khắp nơi tránh trú, mùa đông gió không lùa buốt giá", anh Hùng bộc bạch.
Giấc mơ về cuộc sống mới ở trên bờ lại dấy lên khi năm 2022, cán bộ phường xuống ghi danh sách, xét duyệt các hộ đủ điều kiện lên cạn. Anh Hùng lại một lần nữa ngập tràn hy vọng.
Tuy nhiên, hết đợt 1, rồi đến đợt 2, hàng chục hộ dân làng chài thoát kiếp sông nước nhưng gia đình anh Hùng vẫn ở đó, neo đậu trên khúc sông cạn, lay lắt đánh cá, bán tăm sống qua ngày.
9 hộ lên cạn lần này không có tên gia đình anh Hùng. "Tôi không biết có ai đó báo cáo với cán bộ là tôi có đất ở quê vợ rồi nên không được nữa. Tôi nào có đất đâu, gia đình vợ tôi cũng là thuyền chài. Chân tôi thế này làm gì ra tiền mà mua đất", anh Hùng chua xót nói.
Ông Bùi Minh Châm, Phó trưởng Phòng Dân tộc - Tôn giáo, Ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa cho biết, điều kiện để được cấp đất là đồng bào sinh sống trên sông và các thế hệ trong cùng hộ khẩu chưa từng được cấp đất.
Theo ông Châm, trường hợp anh Hùng không nằm trong danh sách cấp đất lần này. Gia đình anh Hùng tách khẩu vào ngày 20/5/2013. Bố là Nguyễn Văn Chinh và mẹ là Nguyễn Thị Phúc đã được cấp đất tại phường Đông Hải. Điều quan trọng là thời gian thành phố cấp đất cho ông Chinh được xác định rất rõ ràng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Đông Thọ cho biết, ông Nguyễn Văn Chinh bố anh Hùng đã được cấp đất năm 2012. Điều kiện cấp đất vẫn là xét hộ nghèo.
"Vừa rồi phường đã đưa tên anh Hùng vào danh sách để xét duyệt cấp đất nhưng có thông tin báo rằng anh Hùng đã được cho đất ở quê vợ rồi. Nếu anh Hùng có đất thì nhà nước chỉ hỗ trợ tiền làm nhà thôi", ông Thủy nói.
Những ngày này, Thanh Hóa đang trong đợt nắng nóng gay gắt, những gia đình như anh Hùng và các hộ dân còn sót lại ở khúc sông cạn phải gồng mình chống chọi.
Lại nhiều đêm nữa giữa mùa nắng nóng, người dân xóm chài thao thức với giấc mơ lên cạn!
Gần 2 thập kỷ thực hiện chỉ thị đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 48.007 ngôi nhà "Đại đoàn kết". Riêng đối tượng là hộ nghèo sinh sống trên sông, địa phương đã cấp đất, hỗ trợ làm nhà trong giai đoạn 2003-2020 với 812 hộ. Đến nay còn 261 hộ dân sinh sống trên sông, trong đó 176 hộ đủ điều kiện được cấp đất ở.
Ông Bùi Minh Châm, Phó trưởng Phòng Dân tộc - Tôn giáo, Ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thông báo kết luận số 204-TB/VPTU ngày 16/1/2023, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông phải hoàn thành việc cấp đất ở trong 6 tháng đầu năm 2023, hoàn thành việc xây dựng nhà ở, đưa đồng bào lên bờ sinh sống trước mùa mưa bão năm 2023 theo đúng quy định.