Gia sư trẻ sốc khi bị quỵt tiền dạy học, hăm dọa "xin một cái chân"
(Dân trí) - Bị lừa không chỉ về tiền bạc mà còn đe dọa tinh thần, nhiều sinh viên vừa lên thành phố nhập học rơi vào hoang mang, hoảng sợ.
Tiền mất tật mang
"Ngoài mất tiền lương thời gian suốt 2 tháng đi dạy, soạn giáo án, tôi còn bị tra tấn tinh thần. Thậm chí tôi còn bị dọa cho giang hồ... xin một cái chân", Hoàng Long (22 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) rùng mình nhớ lại cảm giác sợ hãi cách đây chưa lâu.
Lúc ấy, do mới lên đại học nên Long đăng ký làm gia sư ngoài giờ cho 2 bé cấp 1 với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Hết tháng đầu tiên, Long được chị D. (mẹ của 2 bé) hẹn sau 2 tháng sẽ thanh toán một lần. Tin tưởng chỗ dạy do bạn bè giới thiệu, Long đồng ý. Thế nhưng, vài ngày sau, chị D. đã đòi tăng số buổi dạy nhưng phải giữ nguyên mức lương.
"Cả hai không thương lượng được nên tôi quyết định ngừng. Ban đầu chị hứa sẽ thanh toán sau 2 tuần, nhưng tới hẹn lại liên tục viện lý do", Long kể.
Vài ngày sau, khi thấy một bài tố cáo chị D. trên mạng xã hội cùng hành vi tương tự với nhiều sinh viên khác, Long tá hỏa. Cậu lập tức nhắn tin đòi tiền thì chỉ nhận lại lời chửi bới, đe dọa.
"Lúc ấy tôi mới biết mình không phải nạn nhân duy nhất. Nhiều sinh viên khác cũng nhận việc và bị quỵt tiền. Câu chuyện trên cho tôi bài học đắt giá là dù làm việc gì cũng phải giấy trắng mực đen, hợp đồng rõ ràng", Hoàng Long nhớ.
Tương tự, Thanh Tuyền (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng bị lừa đảo vào mô hình đa cấp. Theo đó, thời gian năm đầu đại học còn khá trống nên Tuyền đã quyết định tìm việc làm thêm.
"Tôi sử dụng mạng xã hội quét tìm bạn gần đây và có trò chuyện với một anh lớn tuổi hơn. Ban đầu chỉ nói chuyện làm quen, lúc sau anh mới hỏi có làm thêm không và đồng ý giới thiệu việc cho tôi", Tuyền nói.
Tuyền được hẹn gặp tại một cơ sở ở quận Phú Nhuận. Ban đầu, mọi người chào đón nồng nhiệt, tổ chức nhiều trò chơi để tạo sự kết nối. Đặc biệt, vì cũng có sự góp mặt của nhiều sinh viên khác nên Tuyền hoàn toàn tin tưởng.
"Chơi vui vẻ xong thì tụi mình bắt đầu phỏng vấn. Trong vòng hơn 1 tiếng mình phải nói chuyện 1:1 với bên kia khiến bản thân rất mệt. Họ luôn bắt đầu bằng câu chuyện cuộc sống gia đình khó khăn, tự bươn chải thế nào cho đến khi gặp công ty bán thuốc này. Họ đánh mạnh vào tâm lý dễ có tiền trong khi việc nhẹ khiến sinh viên cả tin", Tuyền nói.
Sau buổi phỏng vấn, Tuyền được yêu cầu ký hợp đồng và nộp 500.000 đồng lệ phí làm thẻ thành viên và đồng phục. "Khi tôi thấy họ nháy mắt với nhau thì một linh cảm cho biết chuyện không ổn. Tôi bảo mình còn 250.000 đồng tiền mặt đưa trước rồi viện cớ ra về. Biết đây là mô hình đa cấp nên tôi chấp nhận mất số tiền kia để thoát thân…", Tuyền nói.
Hoảng loạn tâm lý vì mang nợ
Dù đã chạy thoát nhưng thời gian sau đó, Tuyền liên tục bị làm phiền khiến cô sinh viên trẻ không thể tập trung việc học. "Cuối cùng tôi quyết định chặn toàn bộ thông tin của những người này mới có thể sống yên", cô gái trẻ nói.
Không may mắn như Tuyền, một người bạn của cô sau đó vẫn đăng kí vào công ty đa cấp. Tuyền kể, họ chơi rất thân nhưng đột ngột bạn cô đã biến mất khỏi mạng xã hội trong vòng 1 năm.
Một thời gian nữa, người này quay lại hỏi han Tuyền về việc làm, chia sẻ bản thân đã ngừng học đại học và có cuộc sống dư dả nhờ công việc hiện tại.
"Thấy tôi không dễ lung lay nên anh ấy không ép nữa. Năm sau thì tôi thấy anh đăng thông tin buồn, hỏi thăm thì anh ấy kể chuyện tham gia đa cấp và vỡ nợ nên mệt mỏi. Cuối cùng do quá nhiều áp lực nên anh đã về quê và đi nghĩa vụ quân sự", Tuyền nói.
Khảo sát trên mạng xã hội có hàng chục hội nhóm việc làm thêm sinh viên. Ngay sau khi phóng viên tham gia, ngay lập tức có nhiều tài khoản ảo đã liên hệ chia sẻ công việc và yêu cầu được nhận thông tin cá nhân để mô tả kỹ hơn.
Trong đó, công việc chủ yếu là bán hàng, gói hàng, viết bài quảng cáo, dạy thêm, phát tờ rơi… với điều kiện hấp dẫn khi linh động thời gian, kiếm thu nhập cao lên đến 300.000 đồng/ngày khiến sinh viên dễ dàng sập bẫy.
N.D.T (20 tuổi, ngụ Bình Dương) không thể tả hết cảm giác hoảng sợ khi bị lôi kéo vào một câu lạc bộ chia sẻ bí quyết làm giàu. Sau cuộc nói chuyện liên tục 6 tiếng đồng hồ, cậu còn bị tra tấn bởi điện thoại, tin nhắn cả ngày lẫn đêm.
"Tôi may mắn đã thoát ra sớm, không thiệt hại về tài sản, nhưng từ đó tôi như một con nhím xù lông lên với tất cả mọi người. Tôi cảnh giác mọi thứ, nhìn đâu cũng thấy đa cấp nên khép mình lại và ngại giao tiếp", N.D.T chia sẻ.
Sinh viên cần chuẩn bị gì khi mới lên thành phố nhập học?
Từng chia sẻ trên báo Dân trí, Tiến sĩ Trần Đình Lý (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM) nói, đại học là một môi trường rất đặc thù đối với thế hệ trẻ. Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, các bạn bắt đầu làm quen với cuộc sống xa gia đình, từng bước tự chủ và chịu trách nhiệm.
Bằng sự trải nghiệm của bản thân và qua việc chứng kiến nhiều câu chuyện không hay, ông Lý nhắn nhủ nhiều điều đến các bạn tân sinh viên. Trong đó, sinh viên phải xác định rõ tâm thế học tập luôn là việc quan trọng nhất, tránh xa các cạm bẫy, đặc biệt là tân sinh viên ở các địa phương mới lên thành phố lần đầu rất dễ bị dụ dỗ bởi các cạm bẫy mà các bạn không lường được, không hình dung nổi.
Các bạn hãy tránh xa các hoạt động không rõ ràng, không có tổ chức của nhà trường bảo lãnh và giới thiệu. Tuyệt đối tránh xa đa cấp, tham gia các tôn giáo, tổ chức không rõ ràng và chưa được cấp phép.