Gần 50 năm qua cha mẹ mãi trông ngóng anh về
(Dân trí) - "Gần 50 năm qua gia đình mãi trông ngóng anh về, cha mẹ vì thương nhớ anh mà suy sụp tinh thần rồi qua đời…", em gái út liệt sỹ Nguyễn Đình Liên, nghẹn ngào chia sẻ tại lễ truy điệu.
Ngày 24/4, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ truy điệu và tiễn đưa các liệt sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng đã anh dũng hy sinh tại Cao điểm 174 vào đầu năm 1975, về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân).
Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Nếu có được Cao điểm 174 sẽ kiểm soát được một địa bàn rộng lớn của huyện Hoài Nhơn, quan trọng hơn là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn, cụm pháo binh phía bắc đèo Phủ Cũ.
Từ đầu cuộc chiến, Cao điểm 174 là vị trí quan trọng mà ta và địch quyết liệt giành giật. Đến tháng 11/1972, Sư đoàn 3 Sao Vàng mở đợt tiến công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174.
Đến tháng 9/1974, địch tập trung lực lượng đánh chiếm Cao điểm 174, 82, Núi Chéo. Đêm 1 đến rạng sáng 2/1/1975, địch mở đợt tiến công đánh chiếm Cao điểm 174, khiến trận địa tại đây bị phá hủy, quân ta bị thương vong.
Đến trưa 2/1/1975, cửa địa đạo Cao điểm 174 bị sập, địch chiếm giữ được địa đạo, các chiến sĩ của ta bị mắc kẹt và hy sinh trong địa đạo (khoảng 7-9 chiến sĩ).
Sau 49 năm từ ngày chiến tranh kết thúc, lực lượng chức năng tỉnh Bình Định cùng nhân dân đã phát hiện địa đạo 174, quy tập 7 hài cốt liệt sỹ. Các hài cốt liệt sỹ đã phân hủy, còn một ít xương cùng di vật kèm theo như giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn…
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm thêm vào trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam, những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sự hy sinh của các anh đã mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
"Đã 49 năm trôi qua, hình hài xương thịt các anh đã trở thành đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc.
Tìm được hài cốt của các anh là niềm vui mừng khôn xiết, vì đó là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định. Từ hôm nay, các đồng chí sẽ được trở về với đồng đội của mình ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Ân Mỹ. Tổ quốc và nhân dân sẽ mãi mãi ghi công", ông Thanh đọc điếu văn.
Cùng cháu ruột đón xe khách từ Nghệ An vào Bình Định dự lễ truy điệu, an táng 7 liệt sỹ hy sinh tại Cao điểm 174, trong đó là liệt sỹ Nguyễn Đình Liên, bà Nguyễn Thị Xuân (56 tuổi, em gái út liệt sỹ Liên), xúc động: "Gần 50 năm qua gia đình mãi trông mong và tìm kiếm nhưng không biết anh hy sinh ở đâu. Anh ra đi không một lời trăn trối với gia đình, cha mẹ vì thương nhớ anh mà suy sụp rồi mất.
Bây giờ tìm được hài cốt anh rồi, gia đình xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Bình Định, các cấp, ngành, đơn vị bộ đội… Nguyện vọng của gia đình sẽ sớm đưa hài cốt của anh về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà để tiện việc hương khói".
Nhiều năm trăn trở phải tìm cho được các đồng đội đã hy sinh ở Cao điểm 174, cựu chiến binh Trần Văn Phúc (68 tuổi, ở thành phố Vinh, Nghệ An), khi đó là Tiểu đội trưởng, Đại đội 15 Công binh, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng), xúc động vì đã may mắn tìm được 7 hài cốt liệt sỹ.
"Các đồng đội hy sinh rất thương xót, không biết còn những ai ở trong hầm. Khó khăn trải qua thời gian dài địa hình thay đổi, nhưng trong tâm trí tôi, cửa địa đạo 174 cứ hiển hiện rõ trong trí nhớ nên tôi tin sẽ tìm được. Chúng tôi cảm ơn nhân dân và chính quyền địa phương đã rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tìm kiếm các đồng đội".