Căn hầm bí mật và thôi thúc 50 năm của người lính đi tìm đồng đội
(Dân trí) - Trăn trở về những đồng đội suốt 50 năm nằm trong lòng đất lạnh lẽo đã thôi thúc cựu chiến binh Trần Văn Phúc ở Nghệ An vượt gần 1.000km vào Bình Định để tìm đồng đội.
"Biết anh em ở trong hầm chờ mà bất lực"
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồi 174 ở thôn Long Quang (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định) là chốt điểm án ngữ tuyến đường huyết mạch từ Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) lên huyện An Lão, có thể quan sát, kiểm soát một địa bàn rộng lớn của 3 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Lão.
Nơi đây, trong giai đoạn chống phản kích (1972-1975) thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Tiêu biểu là trận đánh chiếm đồi 174 của Sư đoàn 3 Sao vàng vào ngày 1/11/1972, tiêu diệt một đại đội lính cộng hòa.
Tuy nhiên, trong những trận chiến bảo vệ độc lập tự do của dân tộc cũng có nhiều chiến sỹ hy sinh, nằm lại trong lòng đất suốt 50 năm qua.
Cựu chiến binh Trần Văn Phúc (68 tuổi, ở thành phố Vinh, Nghệ An), khi đó là Tiểu đội trưởng, Đại đội 15 Công binh, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng), cho hay đại đội công binh khi đó chuyên tăng cường phối hợp chiến đấu cho các đơn vị. Bởi vậy, diễn biến các cuộc tấn công, phản kích từ tháng 9/1974 đến đầu năm 1975 ông nắm rất rõ.
Ông Phúc kể, ngày 2/1/975, nắm cơ hội mùa mưa, quân địch tập trung phá hủy hết công sự, giao thông hào rồi đưa bộ binh tấn công. Trong loạt pháo cuối cùng, địch đánh sập cửa hầm phía bắc nên bộ đội phải co vào trong địa đạo. Sau đó, địch áp sát cửa phía nam, khống chế, ném lựu đạn, làm 2 chiến sĩ ngã xuống ngay tại cửa hầm.
Sau đó, quân địch dùng rất nhiều bao cát để lấp cửa hầm. Lúc đó, anh em trong hầm vẫn cố gắng liên lạc ra ngoài. Đơn vị 3 lần tổ chức phản công để giải cứu nhưng bất thành. Đến ngày thứ 6, không thấy anh em trong hầm liên lạc nên Trung đoàn rút lui, chỉ để lại Đại đội 15 bám chân đồi giữ chốt bàn đạp thêm 2 ngày.
"Biết anh em ở trong hầm chờ giải cứu nhưng bất lực. Suốt 50 năm qua, các anh nằm trong lòng đất lạnh lẽo. Những ký ức về đồng đội vào sinh ra tử cứ đeo đẳng nên tôi quyết định phải đi tìm đồng đội, bởi chỉ thêm 2 năm nữa chắc gì còn sức khỏe để làm việc này. Đến nay, toàn bộ liệt sỹ của đại đội công binh hy sinh năm 1974-1975 ở ngoài công sự đều đã được tìm thấy", ông Phúc rưng rưng.
Khai mở địa đạo chiến đấu Đồi 174
Chiến tranh đã lùi xa nhưng cựu chiến binh Trần Văn Phúc chưa bao giờ nguôi thương nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Đó chính là động lực thôi thúc ông quyết trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội với ý nguyện cuối cùng đưa các anh về với quê hương, bản quán.
Từ các nguồn tin, chứng cứ do ông Phúc cung cấp, đầu tháng 4, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định và ông Phúc đã tìm được cổng vào một hầm chiến đấu tại Đồi 174. Đặc biệt hơn, ngay bước đầu tìm kiếm, lực lượng đã quy tập được 2 hài cốt liệt sỹ ngay tại cửa hầm.
"Dồn tâm sức đưa các anh về đất mẹ"
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, việc tìm được hầm chiến đấu và hài cốt liệt sỹ là nhờ nguồn tin từ cựu chiến binh của Sư đoàn 3 cung cấp. Trong quá trình chiến đấu tại Đồi 174, có 9 chiến sĩ không kịp thoát ra ngoài và nằm lại trong hầm.
Cũng theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, hầm này được bộ đội đào sâu vào lòng núi theo kiểu dáng địa đạo với chiều dài khoảng 50-70m và có 3 cửa.
Trong đó, có 1 cửa ở hướng nam để quan sát địa bàn phía huyện Hoài Ân; cửa hướng tây bắc để quan sát huyện An Lão và cửa hướng đông bắc để quan sát khu vực Hoài Nhơn.
Hiện nay, do cửa hầm đã mục nát cũng như lượng bom mìn còn tồn đọng lớn ở khu vực này nên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các lực lượng dừng tìm kiếm, gia cố lại cửa hầm cũng như xử lý bom mìn, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm, quy tập.
Có mặt tại hiện trường khai quật tìm kiếm các liệt sĩ, Đại tá Lê Văn Ninh, nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) không kìm được xúc động khi lực lượng chức năng phát hiện hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Đồi 174.
"Tôi rất xúc động và thực sự rất nhớ anh em, đồng đội cũ. Chính vì thế, đã ngoài 70 tuổi, vợ chồng tôi vẫn lặn lội vào tận nơi trực tiếp khai quật, đưa hài cốt của anh em về. Anh em nằm ở chiến trường 50 năm rồi, giờ đưa được đồng đội về, một người lính như tôi mới cảm nhận sự thanh thản", ông Ninh xúc động.
Theo ông Ninh, cuộc chiến ở Đồi 174 kéo dài hàng năm trời, đỉnh điểm ác liệt là từ tháng 12/1974 đến đầu 1975. 7h quân địch bắt đầu nã pháo cho đến 17h, có những hôm ngoài bắn pháo địch còn thả bom.
"Chính tôi "dính" 2 quả bom thả sập hầm ở Đồi 182, bị thương bất tỉnh. Sau này đơn vị phản kích giải cứu, 4 ngày sau tỉnh dậy tôi mới biết mình sống sót", ông Ninh kể lại.