Nghị quyết 68:

Gần 3,3 triệu lao động tự do, đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Khoảng 15,4 triệu đối tượng đã được hỗ trợ từ Nghị quyết 68, Quyết định 23 với tổng kinh phí là trên 10 nghìn tỷ đồng, trong đó TPHCM đã chi trên 5.600 tỷ đồng hỗ trợ 6,97 triệu đối tượng.

Gần 3,3 triệu lao động tự do, đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ - 1

Tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét, đưa ra quyết định hỗ trợ người lao động tự do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc Triều).

Đây là thông tin từ Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Bộ LĐ-TB&XH về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và một số chính sách an sinh xã hội tại 63 tỉnh và thành phố, tính tới đầu tháng 9.

Linh hoạt chính sách hỗ trợ 

Trong các nhóm đối tượng, lao động tự do chịu ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng nhất. Tới nay, các chính sách đã hỗ trợ tới gần 3,3 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù với tổng kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng.

Đây là nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết…

Triển khai linh động, TP Hà Nội, TPHCM và tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản quy định mở rộng đối tượng người lao động tự do được hỗ trợ. 

Đồng thời, nhiều tỉnh đã và đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ người đồng hương đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, như: Tỉnh Bình Phước, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế…

Gần 3,3 triệu lao động tự do, đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ - 2

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông giải ngân cho các doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Đặng Dương).

Một số tỉnh bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội đã triển khai hình thức hỗ trợ bằng tiền chuyển qua tài khoản, bưu điện hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Dương…

Cũng theo Ban chỉ đạo, 3 nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội đã hỗ trợ cho gần 375.800 người sử dụng lao động và 11,4 triệu người lao động; nhóm các chính sách cho vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 474 đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho gần 67.600 người lao động; nhóm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động có quan hệ lao động đã hỗ trợ trên 122 nghìn người với tổng kinh phí trên 306 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên 1.200 người lao động đang mang thai và trên 16.700 trẻ em đã được hưởng các chính sách hỗ trợ bổ sung. Gần 55.900 hộ kinh doanh đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 161,5 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện không thu tiền ăn của các đối tượng F0, F1 tại các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung...

Đề xuất sửa chính sách hỗ trợ

Theo Ban chỉ đạo, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp nên nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. 

Gần 3,3 triệu lao động tự do, đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ - 3

Cán bộ BHXH huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hướng dẫn đối tượng làm thủ tục để hưởng chế độ (Ảnh: Xuân Sinh).

Một trong những khó khăn lớn nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc lớn. Tỷ lệ người lao động tự do rơi vào khó khăn; người lao động rời bỏ thị trường lao động ngày càng tăng.

Trong khi đó, các hoạt động kết nối cung - cầu lao động gặp khó khăn do hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 và tâm lý lo ngại sinh sống ở nơi có dịch.

Về nhận thức, người lao động và người sử dụng lao động cũng chưa thực sự hiểu hết các chính sách, do đó, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Một số địa phương triển khai chậm, đã ban hành kế hoạch nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai ở mức độ thấp; việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền mặt gặp một số vướng mắc, khó khăn.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, vận động sâu rộng trong nhân dân hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách theo quy định của Nghị quyết 68, Quyết định 23.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68, Quyết định 23, trong đó có nhiều điểm mới, như: Bỏ quy định về hồ sơ liên quan tới quyết toán thuế; bỏ quy định nợ xấu năm 2020 để vay tiền trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất.

Đồng thời, dự thảo sửa đổi cũng hướng tới việc bỏ quy định phải có biên bản, có hồ sơ hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động, bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Bởi trong tình trạng giãn cách xã hội, việc này khó thực hiện được. Thay vào đó, dự thảo đề xuất chỉ cần người sử dụng lao động có quyết định và công đoàn ký vào bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và tiến hành chi trả hỗ trợ…

Trong tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gần 134,3 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 27 tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho gần 9 triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đến nay, khoảng gần 20,4 nghìn tấn gạo (15,2%) đã được xuất cấp cho các tỉnh để thực hiện cấp phát cho 1,36 triệu người dân. Cả nước đã triển khai được 4 triệu túi an sinh cho người dân.