Gần 30.000 tỷ đồng chăm lo 1,2 triệu người có công với cách mạng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong năm 2022, cả nước có gần 1,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng với kinh phí 29.490 tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2022, cả nước đã thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đời sống người có công không ngừng được nâng lên.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành tổ chức thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công; đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn"…

Kết quả, trong năm 2022, cả nước đã chi trả trợ cấp người có công thường xuyên hằng tháng cho gần 1,2 triệu người, kinh phí 29.490 tỷ đồng. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 553 liệt sĩ, trong đó 12 liệt sĩ được công nhận thông qua xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng…

Gần 30.000 tỷ đồng chăm lo 1,2 triệu người có công với cách mạng - 1

Quan tâm, chăm lo và nâng cao đời sống người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành LĐ-TB&XH (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).

Năm 2022, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong năm đã tiếp nhận 1.876 mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, đã phân tích, so sánh đối khớp được 148 danh tính hài cốt liệt sĩ, báo tin đến thân nhân liệt sĩ và ghi tên trên bia mộ liệt sĩ.

Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH các cấp còn tăng cường huy động nguồn lực xã hội chăm sóc người có công với cách mạng với những con số ấn tượng như: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 390 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 4.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 3.000 nhà tình nghĩa với kinh phí trên 280 tỷ đồng; có 3.388 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời…

Ngân sách trung ương còn chi 600 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ, sửa chữa mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ cho các địa phương đảm bảo bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, cả nước đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) bảo đảm thiết thực, trang trọng, ý nghĩa. Nhân dịp này, Nhà nước đã dành trên 400 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng; các đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng ở các địa phương…

Đánh giá chung, Bộ LĐ-TB&XH nhận định: "Đời sống người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên. Hiện nay có 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 99% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú".

Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ Nghị định điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng để đảm bảo nâng cao hơn nữa đời sống của người có công.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách; bảo đảm người có công với cách mạng được xem xét công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi.

Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH quyết tâm đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt các chế độ an sinh xã hội qua dịch vụ bưu chính công ích (bao gồm lương hưu, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công…).