Đủ chế tài tước quyền nuôi con với cha mẹ khi có việc bạo hành trẻ em
(Dân trí) - Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, Việt Nam hiện có quy định pháp luật để can thiệp, tước quyền nuôi dưỡng trẻ nhỏ với những phụ huynh có hành vi bạo hành, xâm hại thân thể trẻ nhỏ.
Đây là nội dung được Cục trưởng Cục trẻ em khẳng định tại cuộc tọa đàm về vấn nạn bạo hành trẻ em do báo điện tử Dân trí tổ chức chiều 21/2/2022.
Tước quyền nuôi con ngay khi có sự cố bạo hành
Ông Nam nhấn mạnh, trong số các quyền cơ bản của em, trẻ có quyền được sống với cha mẹ và được cha mẹ chăm sóc. Không có môi trường nào giúp trẻ được chăm sóc, phát triển và bảo vệ tốt hơn so với chính gia đình của mình.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thực tế, cũng chính gia đình là nơi các em có nguy cơ bị xâm hại cao nhất, bởi người thân, cha mẹ mình. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, hiện có quy định hạn chế quyền nuôi con của cha mẹ nếu phạm tội bạo hành.
Về trình tự tước quyền nuôi con của cha mẹ, ông Nam cho rằng, khi có sự cố bạo hành, ngay lập tức quy định tước quyền nuôi con của cha mẹ được áp dụng khi xác định người này có hành vi xâm hại trẻ. Bước tiếp theo, cơ quan bảo vệ trẻ em, chính quyền sẽ phải tìm nơi chăm sóc thay thế tốt nhất cho trẻ em, có thể gửi cho người thân, gia đình khác hoặc cá nhân khác nuôi dưỡng, chăm sóc.
Ông Nam cho rằng, ở Việt Nam, thông thường trẻ có người thân thích là ông bà, cô dì chú bác thì cơ quan nhà nước sẽ để họ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Nếu không có người thân, trẻ sẽ được đưa vào chăm sóc ở các cơ sở bảo trợ xã hội. Nhưng quy trình bắt buộc tiếp theo là phải ngay lập tức tìm kiếm môi trường gia đình cho trẻ.
Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, trước đây, việc tước bỏ quyền nuôi dưỡng con của những người sinh thành rất khó khăn do pháp luật chưa có quy định. Tuy nhiên, hiện nay, vấn này đã khác, Việt Nam đã có đủ chế tài hoàn toàn làm được.
Ông Nam cho rằng, tháng 6/2017 Luật Trẻ em hiệu lực, quy định pháp luật hiện đã đưa ra đủ các dấu hiệu, hành vi và biện pháp bảo vệ trẻ em, chống lại việc bạo hành trẻ em. Đây là cơ sở để, các cơ quan thực thi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có đầy đủ thẩm quyền, năng lực để chăm sóc trẻ ngoài môi trường gia đình khi trẻ gặp nguy hiểm.
Cuộc gọi quá muộn màng!
Trong vụ bé 3 tuổi tại Thạch Thất bị bạo hành nhiều lần, Cục trưởng Cục Trẻ em lấy làm tiếc vì người nhà thông tin đến các cơ quan bảo vệ trẻ quá muộn. Lần duy nhất ông nội cháu bé gọi điện phản ánh những dấu hiệu bất thường, như việc cháu bé phải vào viện liên tiếp nhiều lần trong thời gian ngắn, như dư luận đã biết là khi báo chí đã thông tin và hành vi bạo hành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của trẻ.
"Hết sức muộn màng, rất đáng tiếc. Chúng ta vẫn quay trở lại với câu nói là "giá như" khi mà em bé ấy đã phải sống trong sợ hãi, đã chà đạp thảm thương, một cách vô cớ. Lần "giá như" này cũng là rất muộn. Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng", Cục trưởng Cục Trẻ em nói.
Đại diện Cục Trẻ em phát biểu: "Tôi kêu gọi mọi người lên tiếng, phản ánh, tố giác người bạo hành trẻ, từ những hành vi bạo lực đầu tiên. Từ những tiếng kêu, tiếng khóc đáng nghi ngờ, chúng ta đều phải có trách nhiệm tố cáo, đầu tiên là tới cơ quan chức năng và gọi điện ngay tới số tổng đài 111".
Ông này cho rằng, Hiện Luật Trẻ em, Nghị định 56/NĐ-CP và gần đây là Nghị định 130/NĐ-CP có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em đối với người biết mà không tố cáo hành vi bạo hành trẻ em, mức xử phạt này tối đa theo luật định là 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đứng về mặt đạo lý, nếu không có sự hỗ trợ của nhân dân, quần chúng thì cơ quan bảo vệ trẻ em sẽ không xử lý được. Chỉ cần nhấc máy gọi Tổng đài 111, công an xã, phường, chúng ta sẽ có thể cứu được những sinh mạng, giảm những tổn hại không đáng có cho trẻ em.