Bạo hành trẻ em: Nỗi đau ly hôn và những tiếng kêu cứu muộn màng
(Dân trí) - Hai vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại hai thành phố lớn gây bức xúc dư luận. Đáng nói, các vụ bạo hành này không phải hi hữu và cũng chỉ lộ ra khi gây hậu quả thảm khốc.
Sự việc nhân tình của bố hành hạ, đánh đập dã man dẫn đến cái chết của bé gái 8 tuổi tại TPHCM chưa lắng xuống thì giữa tháng 1/2022 cháu bé 3 tuổi, con riêng của người phụ nữ đã ly hôn tại Hà Nội, bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu, thập tử nhất sinh, đang gây phẫn nộ dư luận.
Một lần nữa, người ta lại đặt ra câu hỏi về trách nhiệm với việc chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo quyền con người của trẻ em khi những đứa trẻ thơ dại không biết bấu víu vào ai để kêu cứu.
Sau nỗi đau ly hôn là nước mắt và sinh mạng của trẻ
Thật vậy, vụ việc xảy ra ở chung cư tại TPHCM chứng minh cho nguyên tắc, hạnh phúc của bố mẹ, mái ấm gia đình mới là niềm vui với con trẻ. Sống với tình thân của bố mẹ mới là hạnh phúc thực sự của trẻ em, nơi chúng có thể thiếu miếng ăn ngon, nhưng luôn đầy ắp tình cha, nghĩa mẹ thiêng liêng.
Bé N.T.V.A (8 tuổi) tại Bình Thạnh, TPHCM được xác định tử vong do đòn roi của Nguyễn Võ Quỳnh Trang, là nhân tình, vợ sắp cưới của bố cháu - Nguyễn Kim Trung Thái. Điều đáng căm giận, chứng kiến nhiều lần con gái ruột bị người tình bạo hành, đánh đập không thương tiếc mà Thái không những không can ngăn, còn về hùa, giúp "ác mẫu" che giấu hành vi phạm tội.
Theo nguồn tin của cơ quan điều tra Công an TPHCM, chính Thái, bố đẻ cháu V.A đã xóa camera an ninh ghi lại cảnh Quỳnh Trang đánh đập dã man khiến V.A tử vong.
Hành động xóa camera an ninh ghi lại cảnh người tình bạo hành con mình của Thái diễn ra ngay tại bệnh viện, trong thời điểm bé V.A đang được cấp cứu, chưa biết sống chết ra sao. Theo lời khai với cơ quan công an, tại đây, chưa quan tâm chuyện tính mạng của con gái, Thái sử dụng điện thoại di động, đăng nhập để xóa và cắt clip do camera ghi lại, nhằm che giấu tội ác của nhân tình, trốn tránh trách nhiệm.
Hiện, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra với Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội giết người, bắt cả Nguyễn Kim Trung Thái để điều tra các tội danh liên quan.
Vụ việc xảy ra đối với bé V.A để lại nỗi đau xót, day dứt với người ở lại. Trước đó, bé đã từng có mái ấm gia đình, có cha, có mẹ. Theo lời kể của chị H. mẹ đẻ V.A, năm 2012, chị cùng chồng cũ tên Thái kết hôn, một năm sau, chị sinh bé V.A, đến 2015 sinh thêm một em trai cho cô bé.
Cuộc sống hạnh phúc, mái ấm gia đình của V.A cùng mẹ và em tan vỡ khi bố V.A quen Quỳnh Trang. Việc bố mẹ ly hôn bắt đầu cho chuỗi ngày đòn roi, đau đớn, cô độc giáng xuống V.A. và kết lại là cái chết thương tâm đầy tức tưởi với bé gái.
Giá những tiếng kêu cứu đừng để quá muộn mằn
Cùng chung hoàn cảnh như V.A, cháu bé N.A, 3 tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội cũng rơi vào cảnh đời bi đát sau khi gia đình đổ vỡ. Bố mẹ ly hôn, 3 đứa trẻ tan đàn xẻ nghé, bé gái phải rời xa anh chị, rời nhà theo mẹ đến ở một nơi xa lạ, cùng một người đàn ông xa lạ là nhân tình của mẹ. Bé đã luôn phải chịu những màn đòn thù, tra tấn của "bố hờ".
Theo lời kể của người nhà N.A, cháu ở với mẹ được 6 tháng thì đã phải đi viện ít nhất 4 lần, lần thì do uống phải thuốc sâu, lần thì gãy tay, lần lại nuốt phải đinh. Và lần mới nhất, hôm 18/1 vừa qua, là do bị 9 chiếc đinh đóng vào đầu, tính mạng hiện nguy kịch.
Các lần trước, N.A được mẹ đưa đi khám nhưng cũng vẫn là ông nội chăm nom, nuôi bệnh trong viện. Nhưng những dấu hiệu bất thường như vậy vẫn bị bỏ qua, cho tới lần này, chứng kiến đứa cháu thơ dại bị 9 chiếc đinh đóng vào đầu, ông nội cháu mới điện báo, cầu cứu qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).
Nhưng mọi việc đã quá muộn. Giá như cuộc điện thoại được thực hiện sớm hơn, vụ đóng đinh tàn bạo, đe dọa tước đoạt tính mạng bé gái, có lẽ đã không xảy ra.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan quản lý kênh điện thoại nói trên, lấy làm tiếc vì những thông tin phản ánh về trường hợp cháu bé này vẫn đến Tổng đài quá muộn.
Theo ông Nam, qua xác minh ban đầu, các cơ quan chức năng cho biết, bé gái 3 tuổi đã vài lần đi viện với những dấu hiệu rất bất thường nhưng gia đình, người thân chưa thông báo đến công an, chính quyền cấp xã và Tổng đài 111 tại những thời điểm đó để có biện pháp can thiệp kịp thời theo quy định pháp luật, trước khi cháu bé rơi vào tình trạng "thập tử nhất sinh" hiện tại.
"Thực tế, Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em số 111 được lập ra từ tháng 12/2019, nhằm mục đích tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Số điện thoại này không khác gì số 113, 115 để sự cố an ninh, cấp cứu hay báo cháy nổ cả. Chính vì vậy, bất kể người dân nào có thông tin, hình ảnh tố giác liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em đều có quyền gọi điện đến số điện thoại nêu trên để cơ quan chức năng địa phương vào cuộc" - ông Nam nói.
Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, trong quy định của luật Trẻ em, hệ thống bảo vệ trẻ em cần phải có ở cấp xã. Luật quy định, cấp xã phải bố trí được người làm công tác bảo vệ trẻ em, người đó phải có đủ năng lực, đủ thời gian và đặc biệt là kinh nghiệm làm công tác phòng ngừa bạo hành, xâm hại. Về lâu dài, đó phải là nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Và ngoài nhân lực, chính quyền địa phương cũng phải phân bổ ngân sách để cho hệ thống bảo vệ trẻ em và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em hoạt động và hoạt động hiệu quả.
Ông Nam khẳng định, pháp luật, chính sách Nhà nước về bảo vệ trẻ em đến nay đã khá đồng bộ, trong đó, Nghị định 56 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Trẻ em cũng ghi rõ trách nhiệm phòng ngừa, cách ly trẻ em khỏi gia đình và người chăm sóc khi có nguy cơ bị tổn hại.
Tại hội nghị toàn quốc về bảo vệ trẻ em do Thủ tướng chủ trì mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo về vấn đề này. Quốc hội cũng đã giám sát và có Nghị quyết về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thủ tướng nhiều lần ra Chỉ thị về công tác trẻ em, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn, phòng chống xâm hại trẻ...
"Trách nhiệm của chính quyền địa phương, của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã rất quan trọng và cũng đã được luật định. Vì sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của trẻ em, việc cấp kinh phí, bố trí nhân lực, dịch vụ để triển khai công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em là vấn đề rất cấp bách" - Cục trưởng Đặng Hoa Nam nêu quan điểm.