1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này?"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những anh lính của Sư đoàn 341, Quân khu 4 năm xưa, người may mắn lành lặn trở về, người mang thương tật suốt đời, rưng rưng trong buổi gặp mặt sau gần nửa thế kỷ...

Sư đoàn 2 lần anh hùng

Từ sáng sớm, thương binh Đặng Đình Hồng được các đồng đội, đồng chí đưa tới địa điểm tổ chức lễ gặp mặt do Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Sư đoàn 341 Nghệ An, nhân 50 năm ngày thành lập Sư đoàn. Chiếc xe lăn được đẩy vào hội trường, đồng đội ùa lại. Họ tay bắt mặt mừng, hỏi han, nắm lấy tay người bạn chiến đấu đã để lại một phần thân thể ở chiến trường.

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 1

Đồng đội trong ngày vui gặp lại... (Ảnh: Hoàng Lam).

Những người lính nhập ngũ ở những thời điểm lịch sử khác nhau, nay tóc đã điểm bạc, cùng tề tựu trong niềm tự hào chung về Sư đoàn anh hùng, một đơn vị dù mới được thành lập nhưng đã thực hiện xuất sắc 3 nhiệm vụ lớn: Góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thực hiện nhiệm vụ quân quản tại TP Hồ Chí Minh thời điểm sau giải phóng và bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia.

Sư đoàn 341 - Đoàn Sông Lam (Quân khu 4) được thành lập ngày 23/11/1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Mùa Xuân năm 1975, Sư đoàn 341 có mặt tại chiến trường Đông Nam Bộ và đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1976, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân quản tại TP Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 được lệnh hành quân lên biên giới tỉnh Tây Ninh, tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới tây nam Tổ Quốc.

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 2

Những người lính như trẻ ra khi ôn lại ngày còn trong quân ngũ (Ảnh: Hoàng Lam).

"Trải qua 457 ngày đêm chiến đấu gian khổ, hiểm nguy, Sư đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.213 tên địch, bắt sống 1.768 tên, gọi hàng 676 tên, đánh bại 14 sư đoàn địch, diệt và làm tan rã 18 trung đoàn... góp phần cùng các đơn vị trong Quân đoàn 4 và lực lượng địa phương đưa toàn tuyến biên giới tây nam trở lại cuộc sống bình yên.

Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị đầu tiên tiến công vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, truy quét tàn quân, góp phần giúp nhân dân Campuchia xây dựng cơ sở chính trị địa phương và hồi sinh cuộc sống mới. Tháng 12/1980, Sư đoàn trở về quê hương Nghệ An.

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 3

Những người lính năm xưa tóc đã điểm bạc trong ngày gặp mặt, cùng chung niềm tự hào về một đơn vị 2 lần được phong Anh hùng (Ảnh: Hoàng Lam).

Có lẽ, hiếm có đơn vị nào chỉ sau 7 năm kể từ khi thành lập, đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Sư đoàn 341 - Đoàn Sông Lam", Thiếu tướng Nguyễn Phong Phú, nguyên Phó sư đoàn trưởng về chính trị, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 341 tóm lược lịch sử hình thành, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị tại cuộc gặp mặt.

"Tổ quốc Campuchia sẽ mãi mãi ghi vào sổ vàng lịch sử đấu tranh cách mạng của mình những chiến công và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của Sư đoàn 341 nói riêng. Trong những năm chiến đấu trên đất nước Campuchia, các đồng chí đã để lại những kỷ niệm vô cùng cao đẹp, những hình ảnh trong sáng của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia và Việt Nam.

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 4

Ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu trên chiến trường (Ảnh: Hoàng Lam).

Tên tuổi của Sư đoàn đã ăn sâu vào trái tim và lòng người dân chùa Tháp. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử của dân tộc Campuchia và nhân dân Campuchia đời đời ghi nhớ tên tuổi Sư đoàn 341 anh hùng" - trích bức thư Ban Chấp hành trung ương Đảng, nhân dân cách mạng Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Campuchia gửi Sư đoàn khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, rút về nước.

Đồng đội ngày gặp lại

Trong suốt quá trình chiến đấu và trưởng thành, đã có hơn 2.700 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341 ngã xuống trên các chiến trường, nhiều người mang thương tật suốt đời. Sau gần 50 năm, những người lính năm xưa tóc đã điểm bạc, tề tựu về đây, cùng ôn lại những ngày tháng sát cánh chiến đấu.

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 5

Những người lính từng vào sinh ra tử trong ngày gặp mặt (Ảnh: Hoàng Lam).

Những khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh đã lùi lại phía sau, chỉ còn những người lính như trẻ lại. Họ ôm nhau, giúp nhau cài lại tấm huân chương, gọi nhau là "quê", là "đồng hương" như những năm tháng cùng "nằm gai nếm mật" nơi chiến trường xa...

Cựu chiến binh Tạ Hữu Nghệ (trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) rẽ đám đông, tiến đến nắm lấy bàn tay thương binh Đặng Đình Hồng: "Đồng đội ơi, còn nhớ tôi không? Nghệ, Trung đoàn 270 đây. Sao lại bị thương thế này? Tôi nghe anh em nói mà không thể tin".

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 6

Cựu chiến binh Tạ Hữu Nghệ và Đặng Đình Hồng ôn lại những ngày cùng thực hiện nhiệm vụ quân quản ở TPHCM sau ngày giải phóng (Ảnh: Hoàng Lam).

Cựu chiến binh Đặng Đình Hồng nheo nheo mắt như cố nhớ lại những gì đã diễn ra ngót nửa thế kỷ trước, rồi vỡ òa khi nhận ra người đứng trước mặt mình đây đã từng cùng thực hiện chung nhiệm vụ quân quản tại một khu phố gần chợ Bà Chiểu.

"Tôi đi biên giới tây nam, năm 1979 thì bị thương. Sau này chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An từ đó cho đến nay", ông Hồng kể.

Bị thương nặng trong một trận đánh, ông mất 98% sức khỏe. Không lập gia đình, ông gắn bó với những đồng đội cùng chung cảnh ngộ tại Trung tâm điều dưỡng thương binh. Nỗi buồn chiến tranh đeo đẳng người cựu binh này, bởi vậy, trừ những khi các cuộc gặp mặt ở quá xa không thuận tiện cho người ngồi xe lăn di chuyển, còn lại ông đều cố gắng tới dự.

Đồng đội ơi còn nhớ tôi không, sao lại bị thương thế này? - 7

Món quà dành tặng gia đình chính sách, gia đình thương binh gặp nhiều khó khăn tuy không nhiều nhưng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội (Ảnh: Hoàng Lam).

"Chiến tranh, người còn người mất, người mang thương tật suốt đời, người lành lặn trở về vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Hiếm hoi lắm mới có cuộc gặp mặt, anh em đồng đội gặp lại, hàn huyên, tâm sự, động viên lẫn nhau. Ai từng vào sinh ra tử, đi qua chiến tranh mới hiểu cái tình, cái nghĩa đồng đội, đồng chí thiêng liêng lắm, quý lắm. Chúng tôi già rồi, biết có bao nhiêu lần gặp gỡ được như thế này?", thương binh Đặng Đình Hồng tâm sự.