1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Sáng 16/7, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Nghệ An.

Tham gia đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cùng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 1

Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt tại xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt (84 tuổi, ở xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Tuổi thanh xuân của cụ Đoàn Minh Nguyệt gắn bó với con đường Trường Sơn huyền thoại, từ những ngày đầu giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đến đại thắng mùa xuân năm 1975.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 2

Chủ tịch Quốc hội trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt.

Sau hàng trăm nghìn km lái xe an toàn, đạt khối lượng vận tải xuất sắc, dù 2 lần vướng bom đạn, bị thương, anh bộ đội cụ Hồ Đoàn Minh Nguyệt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Sau chiến tranh, cụ Đoàn Minh Nguyệt công tác ở Quân khu 4 cho đến khi nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, dù mang trên mình thương tích (thương binh 3/4) và nhiễm chất độc hóa học, cụ luôn là người Đảng viên tiêu biểu, gia đình sống gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Hiện cụ đang trực tiếp thờ phụng 2 liệt sĩ.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 3

Chủ tịch Quốc hội và Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH thăm hỏi, tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh (89 tuổi, ở phường Hồng Sơn, thành phố Vinh). Mẹ Nguyễn Thị Kim Oanh có 8 người con, trong đó 2 liệt sĩ. Hiện Mẹ sống cùng gia đình con gái Nguyễn Thị Kim Thanh, giáo viên về hưu.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 4

Chủ tịch Quốc hội trò chuyện, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh.

Tại gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Minh Nguyệt và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ân cần thăm hỏi sức khỏe, mọi mặt đời sống; trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp, hy sinh lớn lao của các gia đình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 5

Đoàn công tác cùng gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước mãi mãi ghi nhớ công lao, đóng góp và sự hy sinh của các gia đình chính sách, của các liệt sĩ, thương binh; luôn luôn coi công tác chăm lo cho các gia đình chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là thực hiện đạo lý cao đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc.

Chiều cùng ngày, nhân kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 6

Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc.

Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, đoàn công tác kính cẩn dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn các thế hệ cha anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 7

Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Ngã ba Đồng Lộc có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Chính vị trí chiến lược ấy, Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, "tinh thần thép" của các lực lượng đảm bảo giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh và bom đạn của kẻ thù. Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ của không quân Mỹ.

Theo các tài liệu ghi lại, trong 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), không quân Mỹ đã tập trung mọi phương tiện chiến đấu hiện đại nhất đánh vào khu vực Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, thả gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20 mm. Bình quân một tháng, địch đánh phá 28 ngày, ngày cao nhất lên đến 103 lượt máy bay, thả xuống nơi đây trên 800 quả bom. Ước tính, mỗi m2 ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom. Chính vì vậy, Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh như là "tọa độ chết".

Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến, đập tan mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù.

Chủ tịch Quốc hội thăm cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng - 8

Chủ tịch Quốc hội dâng hương, hoa tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Có 465 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Thanh niên xung phong, giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.

Trong đó có 10 cô gái Thanh niên xung phong, thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đã anh dũng hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.

Xuân Sinh