1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Gia Lai:

Cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ với lời thề trong "cửa tử"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Người cựu chiến binh Phan Ngọc Huân đã dành hết tuổi thanh xuân để cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, ông lại lên đường "vượt rừng" đi tìm hài cốt để đưa về quê hương.

Lời thề trong "cửa tử"

Ông Phan Ngọc Huân (SN 1948) có quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tháng 1/1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ tại Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, đóng ở Hà Nội.

Đến tháng 10/1966, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường B2. Hơn 6 tháng "dầm mưa, dãi nắng", ông cùng đồng đội đã đi bộ dọc dãy Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại vùng Đông Nam Bộ.

Cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ với lời thề trong cửa tử - 1
Ông Huân nhớ lại hành trình chiến đấu và đi tìm hài cốt liệt sỹ

Từ một người lính tăng thiết giáp, ông Huân đã chinh chiến trên nhiều mặt trận với các chức vụ khác nhau. Mùa xuân năm 1968, trung đội của ông Huân bị giặc vây tại chiến trường Trảng Bàng (Tây Ninh).

Lúc này, lính Mỹ càn quét, lùng sục khắp mọi nơi. Trên trời, máy bay gầm rú, bom địch như mưa xuống mặt trận Trảng Bàng. Bộ đội ta bị vây hãm nên buộc phải chia nhau xuống các hầm trú ẩn.

Lúc này, ông Huân là một chiến sỹ thông tin. Trên vai còn đang mang máy thông tin nặng hơn 15kg, tay ôm khẩu súng AK. Thấy ông Huân dưới mặt đất, giặc điên cuồng xả súng từ trên cao.

Một viên đạn trúng vào chiếc máy thông tin nên đã giúp ông thoát được cửa tử. Tuy nhiên, ông Huân vẫn bị trúng 3 viên đạn liên tiếp ở phần chân trái. Dù rất đau nhưng ông Huân vẫn cố gắng bò về hầm để trú ẩn.

Ông Huân vừa tìm được hầm và nhảy xuống đó thì giặc cũng tràn tới. Thấy cửa hầm có dấu mới, lính Mỹ đã ném liên tiếp 2 quả lựu đạn nhưng vì không thấy gì nên chúng đã bỏ đi. Do sức ép của lựu đạn nên ông Huân bị ngất đi trong hầm. Nhiều giờ sau, ông Huân mới tỉnh dậy và về đơn vị.

Cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ với lời thề trong cửa tử - 2
Trở về quê lập nghiệp nhưng ông Huân vẫn đau đáu tâm nguyện đi tìm hài cốt của các đồng đội chiến đấu năm xưa

Sau khi được chữa trị, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Đến đầu năm 1972, trong lần cùng đồng đội chiếm lĩnh trận địa ở Quận 10 (Sài Gòn) thì bất ngờ gặp quân địch phục kích khiến ông bị thương.

Ông Huân nhớ lại: "Đêm đó, tôi cùng đồng đội nằm cố thủ trên trận địa để chờ quân chi viện tiếp ứng. Bom quân địch trút như mưa khiến các đồng đội bị thương và hy sinh nhiều. Cùng "kề vai, sát cánh" với tôi có đồng chí Hùynh (Tiểu đội trưởng) cũng bị trúng đạn và hy sinh.

Trước khi mất, anh Hùynh nắm tay tôi và nói: "Thế là tôi không đợi đến ngày giải phóng được rồi, không thể về lại quê hương được mày ạ. Nếu còn sống hãy đưa tôi về với đất mẹ nhé.". Rồi đồng chí đã nằm lại trên chiến trường Đông Nam Bộ.".

Ông Huân nhớ lại: "Tôi đã cố gắng kéo đồng chí ấy vào góc khuất, còn mình bò lên mái nhà dân nằm trốn. Suốt 3 ngày trời, tôi nằm trốn trên mái nhà dân. Đêm đến mới dám xuống đi tìm thức ăn. Đến trưa ngày thứ 3, thấy tiếng súng của quân giải phóng thì tôi chỉ đủ sức báo hiệu để đồng đội đến giúp đỡ".

Thoát nhiều "cửa tử" với những viên đạn nằm lại trong người nhưng ông Huân vẫn tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Những năm chiến đấu ở biên giới năm 1979, ông Huân bị thương và điều trị tại bệnh viện Quân y K20.

Trong thời gian này, ông Huân cũng được học nghề và cứu giúp những động đội bị thương trên chiến trường. Có nhiều đồng đội vì vết thương quá nặng nên đã hy sinh và được ông tự tay chôn cất.

"Tôi chưa yên…khi đồng đội chưa được về đất mẹ"

Năm 1982, ông Phan Ngọc Huân xuất ngũ về quê Thái Bình với bệnh binh 61%, thương binh 4/1. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn nên ông đã cùng gia đình vào xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa, Gia Lai) để xây dựng kinh tế mới.

Tuy nhiên, trong lòng ông vẫn đau đáu một lời hứa là đưa những đồng đội đang nằm lại trên chiến trường năm xưa về với đất mẹ, về với quê hương.

Trong những năm tháng qua, ông Huân vẫn luôn mò mẫm từng quyển nhật ký, dòng lưu bút hay kỉ vật của các đồng đội để có nhiều dữ liệu về vị trí chôn cất đồng đội. Nhiều đêm trắng, ông Huân ngồi chắp nối sự kiện, trận đánh, vị trí các đơn vị quân y. Qua đó, vẽ thành nhiều sơ đồ gửi cơ quan chức năng để họ giúp đỡ.

Cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ với lời thề trong cửa tử - 3
Nhờ có những cựu chiến binh như ông Huân đã giúp lực lượng tìm kiếm đưa các hài cốt liệt sỹ về với đất Mẹ

 Mùa khô năm 2009, ông Huân cùng với Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đi khảo sát, tìm kiếm tại khu vực rừng thuộc xã Ochalong (huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia).

"Vượt rừng" nhiều tuần liền, ông Huân không sợ mệt nhưng chỉ sợ không tìm được các đồng đội để đưa về đất mẹ. Rừng núi trải qua hàng chục năm trời đã thay đổi nhưng ông Huân dựa vào dòng thác, con suối, hang đá để xác định vị trí đóng quân năm xưa.

Sau hai mùa khô năm 2009-2010 và mùa khô 2010-2011, theo lời chỉ dẫn của ông Huân thì lực lượng đội K52 đã phát hiện tại khu vực rừng thuộc xã Ochalong (huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia) có 99 hài cốt liệt sĩ và đưa về nước để tổ chức lễ truy điệu, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. 

Cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ với lời thề trong cửa tử - 4
Trong gần 20 năm, lực lượng đã quy tập, đưa hơn 1.400 liệt sĩ về với quê hương.

"Trong thời gian tôi bị thương đã điều trị tại Viện K20 này. Tại đây, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh và được chôn cất. Mùa khô năm 2009, tôi cùng đội K52 đi tìm những đồng đội đã hy sinh năm xưa. Dựa vào hang trú ẩn và dòng suối tôi chắc chắn các đồng chí nằm ở khu vực này. Tuy nhiên, mãi đến mùa khô năm sau thì lực lượng mới phát hiện nhiều hài cốt liệt sỹ", ông Huân xúc động nói.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Vũ Văn Sơn (Nguyên Đội trưởng Đội K52, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai) cho biết: "Bác Huân vẽ sơ đồ và chỉ ra chỗ Viện K20 có 3 ban là nơi chôn cất các đồng chí năm xưa đã hy sinh trên đất bạn. Mùa khô 2009-2010, Đội K52 tìm được mấy chục hài cốt liệt sĩ ở vị trí trên. Bản thân tôi rất khâm phục bác Huân bởi tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ rất nhiều vị trí chính xác nhằm giúp cho lực lượng tìm nhanh các hài cốt liệt sỹ đã hy sinh.".

Không những giúp đỡ đội K52 tìm kiếm, ông Huân còn trực tiếp phối hợp cùng Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk) đến một ngọn núi ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) tìm được 25 hài cốt liệt sĩ. Cũng tại một khu vực núi gần đó, sau khi nghe ông Huân chỉ vị trí, Đội K51 đã tìm thêm 2 hài cốt liệt sĩ. 

Thượng tá Nguyễn Xuân Toản (Đội trưởng Đội K52, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) cho biết: "Những năm qua, đơn vị đã phân ra nhiều tổ để tổ chức tìm kiếm nhiều nơi trong đó có ban 1 theo sự chỉ dẫn của ông Huân. Nhưng hiện nay vẫn chưa tìm thêm được hài cốt các liệt sĩ ở đây và chúng tôi vẫn đang mở rộng phạm vi tìm kiếm và phối hợp thêm nhiều cựu chiến binh khác để cùng hỗ trợ, gợi mở nhằm xác định thêm nhiều vị trí".