Đôi tay kiên cường của cậu bé không chân Điểu Khuy Ních
(Dân trí) - Điểu Khuy Ních sinh ra khi chỉ có một nửa thân trên. Sự ra đời của cậu bé từng khiến cộng đồng người M'nông nghi ngại rằng đó là sự trừng phạt của ông trời.
Ních đến với cuộc đời với một thân hình đặc biệt
Điểu Khuy Ních là con thứ 5 của bà Thị Xuân (dân tộc M'nông) ở bon Bù Đách, xã Quảng Tín (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).
Sự ra đời của cậu bé đã từng được bác sĩ cảnh báo trước. Bởi ngày ấy, bà Xuân đi khám, bác sĩ phát hiện những bất thường khi bào thai bước sang tháng thứ 6.
"Nếu cháu sinh ra đời, không chỉ có anh chị khổ mà cuộc đời cháu sẽ khổ. Anh chị nên suy nghĩ kỹ!", lời bác sĩ cứ văng vẳng bên tai của bà Xuân khi nhắc về quãng thời gian khó khăn nhất của đời mình.
Suy đi nghĩ lại, không nhẫn tâm bỏ đi máu mủ của mình, vợ chồng bà Xuân vẫn giữ lại bào thai ấy. Đến giữa năm 2013, Điểu Khuy Ních chào đời trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Nhìn thấy con, bà Xuân cũng không dám tin vào mắt mình. "Tôi chết lặng, không tin vào mắt mình. Những đứa trẻ khác đều có hình hài đầy đủ, vậy mà con tôi chỉ nhỏ như một cục thịt và thiếu mất đôi chân", bà Xuân nhớ lại.
Tiếp lời mẹ, chị Thị Nguyên, chị gái của Điểu Khuy Ních, kể đã có thời gian, những người trong bon cho rằng, bất hạnh của Ních là sự trừng phạt của ông trời.
Sau ngày Ních chào đời, gia đình chị Nguyên sống trong ánh mắt hiếu kỳ của nhiều người. Có những người cảm thông, họ tìm đến để động viên gia đình vượt lên khó khăn. Thế nhưng cũng có người ít qua lại, họ sợ khi nhìn thấy Điểu Khuy Ních.
"Ngày mẹ sinh em, Ních nhỏ lắm. Cả người thằng bé gói trọn trong bộ đồ sơ sinh, nhưng nhìn kỹ thì chỉ có đầu và nửa phần thân trên. Bế em trên tay, tôi không thể tưởng tượng được tương lai của nó sẽ thế nào", chị Nguyên kể.
Vượt lên nghịch cảnh, những khiếm khuyết trên cơ thể lại được Ních đón nhận bằng thái độ lạc quan. Từ đó, ánh nhìn của dân làng đối với cậu cũng dần được thay đổi.
"Khi lớn lên, Ních cũng từng hỏi, chân của nó đâu rồi. Tôi chỉ ôm con vào lòng và nói, ông trời không cho con đôi chân, con hãy tập đi bằng đôi tay của mình", bà Xuân kể.
Được sự động viên của gia đình, cậu bé Điểu Khuy Ních tập đi ngay trên chiếc giường mình đang nằm. Mỗi lần ngã, cậu bé tự đứng dậy mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Nửa năm sau, điều kỳ diệu đã đến, Ních đã đi những bước đầu tiên, khi mà đôi tay đã bắt đầu rỉ máu.
Cậu bé kiên cường hơn sau đại dịch Covid-19
Ních hiện là học sinh lớp 5, trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Sau mỗi giờ học, đam mê lớn của cậu bé không chân Điểu Khuy Ních chính là đá bóng.
Nhìn em trai đưa thân mình lướt trên những vạt cỏ dọc đường, chị Nguyên bảo rằng: "Đã có lúc, chúng tôi tưởng chừng không còn cơ hội để ở bên nhau !".
Theo chị Nguyên, tháng 9/2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả gia đình chị đều mắc bệnh. Ních theo mẹ và chị vào bệnh viện, nhưng được sắp xếp ở một phòng riêng.
"Tôi và mẹ thở máy, được điều trị trong một phòng riêng. Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe của chúng tôi dần phục hồi. Bước ra khỏi giường bệnh, cả tôi và mẹ mong muốn nhất là được gặp Ních", chị Nguyên nhớ lại.
Quãng thời gian đi cách ly điều trị bệnh có lẽ là thời gian khó khăn nhất của gia đình chị Nguyên. Mỗi người một nơi, nhưng ai cũng lo lắng cho cuộc sống của Ních. Lần đầu tiên Ních xa nhà, lần đầu tiên Ních tự phải chăm sóc bản thân mà không có bàn tay của mẹ.
May mắn, sau trận đại dịch, cả gia đình Điểu Khuy Ních đều có cơ hội trở về. Cuộc sống của cậu bé không tay ít nhiều thay đổi, khi Ních đã biết tự lập, tự lo cho bản thân mình.
Gần 10 năm qua, đôi tay nhỏ thay thế cho sự khiếm khuyết của cơ thể. Cậu bé người M'nông tự tin tham gia vào đội bóng của bon Bu Đách và được đồng đội phân công làm thủ môn.
Không thể dùng chân đá bóng, Ních dùng toàn bộ cơ thể mình để đỡ bóng. Thậm chí, có lúc cậu bé đưa cả thân mình lao về phía trước, cản phá sự tấn công của đội bạn.
Ních kể: "Hàng ngày, sau giờ học, em vẫn tham gia chơi bóng cùng các bạn trong bon. Tham gia đội bóng, em thích nhất là vị trí thủ môn, bởi lúc đó em có thể tự tin chơi bóng bằng tay".
Hiểu được cuộc sống của mình sẽ còn rất nhiều khó khăn phía trước, Ních luôn cố gắng vươn lên trong học tập. 5 năm đến trường, Điểu Khuy Ních luôn là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt khó.
Cô Lê Thị Hồng Vân, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, cho biết câu chuyện vượt khó đến trường của Ních nhận được sự cảm phục của rất nhiều người. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều món quà gửi tặng tới Ních để tiếp thêm động lực cho cậu học trò không chân này.