Đổi mới phương thức bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em
(Dân trí) - "Phải đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Trong 2 ngày 21 và 22/4, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị tập huấn thực hiện công tác trẻ em ngành LĐ-TB&XH năm 2022.
Nội dung được thảo luận, trao đổi tại hội nghị gồm: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 36 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em...
Nguy cơ mới, trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng
Theo báo cáo của Cục Trẻ em, thời gian qua, quy định của luật Trẻ em, các nghị quyết, chương trình, đề án về trẻ em được thực hiện một cách toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em. Nhiều tỉnh thành đã ban hành quyết định trong việc phối hợp thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Đã có 13 địa phương ban hành quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong việc phối hợp thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tạo được sự ủng hộ từ dư luận xã hội...
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Cục trẻ em, nguy cơ mới đối với trẻ em là bị xâm hại trên không gian mạng. Các thủ đoạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.
Thông tin, hình ảnh bạo lực, xấu độc tràn lan trên mạng đã ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức, lối sống của nhiều người, làm giảm sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình; vấn đề bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội,... đã trực tiếp và gián tiếp gây ra các vụ xâm hại và tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Phát huy trách nhiệm của xã hội, cộng đồng
Để nâng cao hiệu quả công tác trẻ em, khắc phục những tồn tại, nguy cơ đối với trẻ em trong giai đoạn tới, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh một số giải pháp như: Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng truyền thông trực tiếp nhằm bảo đảm các thông tin, sản phẩm truyền thông đến được từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và trẻ em; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn theo trách nhiệm, thẩm quyền việc bố trí hợp lý công chức, viên chức làm công tác trẻ em các cấp; phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu chú trọng công tác xây dựng kế hoạch và tham mưu phân bổ ngân sách địa phương cho công tác trẻ em của ngành LĐ-TB&XH, đặc biệt là xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí hằng năm cho lĩnh vực trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em ở địa phương, cơ sở.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ gợi ý tăng cường công tác phối hợp liên ngành: LĐ-TB&XH, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tư pháp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt ở tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện có hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của địa phương...