Điều kiện, mức hưởng lương hưu của Đại tướng quân đội
(Dân trí) - Đại tướng quân đội được nghỉ hưu khi làm việc trong điều kiện bình thường có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và tới độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Bà Vũ Thùy Trang, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe cho hay, căn cứ Khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2008 và khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2014 quy định, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ được thực hiện theo cấp bậc quân hàm.
Theo đó, Đại tướng quân đội có hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.
Tuy nhiên, khi quân đội có nhu cầu, Đại tướng có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt, tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Theo bà Trang, căn cứ Điều 36 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan khi đủ điều kiện theo quy định bảo hiểm xã hội của Nhà nước và trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định trên, quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nam sĩ quan có đủ 25 năm và nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.
Như vậy, theo quy định của và Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động 2019) quy định về điều kiện nghỉ hưu của người lao động như sau:
Người lao động được nghỉ hưu khi: Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; đủ độ tuổi về hưu theo quy định.
Theo đó, Đại tướng quân đội được nghỉ hưu khi làm việc trong điều kiện bình thường có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và tới độ tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2008, trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định nhưng quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nam Đại tướng có đủ 25 năm và nữ Đại tướng có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân được tính như sau:
Quân nhân bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong khoảng thời gian từ 1/1/2016 đến trước 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Với nữ quân nhân bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Với nam quân nhân bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng từ thời điểm này, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.