Điều kiện để lao động nữ chỉ 55 tuổi, nam 60 tuổi đã được hưởng lương hưu

Hoa Lê

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định có lợi với người lao động tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ, nghĩa là sớm hơn tuổi nghỉ hưu hiện hành.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến bổ sung quy định liên quan tới người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự luật quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến năm 2025) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu.

Thực tế, Bộ luật Lao động năm 2019 đề ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu, để lao động nữ làm đến 60 tuổi (so với mốc 55 tuổi trước đây), nam đến 62 tuổi (so với mốc 60 tuổi trước đây) mới được nghỉ hưu. Căn cứ theo đó thì điều kiện để được hưởng lương hưu cũng sẽ tăng dần. 

Để vừa đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung quy định chuyển tiếp với những trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được hưởng nguyên điều kiện tuổi hưởng lương hưu như trên.

Điều kiện để lao động nữ chỉ 55 tuổi, nam 60 tuổi đã được hưởng lương hưu - 1

Người dân nghiên cứu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quá trình khảo sát thực tiễn việc tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cơ quan quản lý nhà nước nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu quan trọng đó là chính sách bảo hiểm xã hội còn thiếu hấp dẫn. Người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp.

Thực tiễn thời gian qua, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.

Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con.

Chế độ trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều kiện để được hưởng lương hưu ngoài về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (hiện là tối thiểu 20 năm, thời gian tới có thể giảm 15 năm đóng), còn phải đạt điều kiện tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động.

Tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động đã áp dụng lộ trình tăng từ năm 2021, mỗi năm thêm 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ, cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.