Đắk Nông:
Diễn viên ca múa nhạc dân tộc chật vật giữa "bão" Covid-19
(Dân trí) - Hai năm liên tiếp, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại tỉnh Đắk Nông bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ ca múa nhạc chật vật mưu sinh vì thu nhập không đảm bảo.
Chia nhau từng củ măng
Đầu tháng 8, vợ chồng anh Điểu Su (dân tộc M'Nông, diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông) vẫn chỉ quanh quẩn trong căn nhà trọ rộng hơn 15 m2 nằm ngay trung tâm của TP Gia Nghĩa, Đắk Nông.
Gần 2 tuần nay, TP Gia Nghĩa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cuộc sống gia đình anh Điểu Su vốn đã chật vật, nay lại càng khó khăn hơn.
Lương tháng của anh Điều Su là 3 triệu đồng. Mọi chi tiêu hàng tháng của cả nhà, gồm hai vợ chồng và con trai nhỏ, chỉ gói trọn trong số tiền đó.
Vợ anh Điểu Su là nhân viên một quán trà sữa trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, từ khi TP Gia Nghĩa bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 và sau đó là Chỉ thị 16, vợ anh phải nghỉ việc ở nhà trông con nhỏ. Bản thân Điểu Su cũng không đi làm, vì tất cả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... đều tạm dừng.
Không có thu nhập thêm, chỉ sống bằng lương "cứng" 3 triệu đồng, lại trừ đi một triệu đồng tiền thuê nhà trọ, nên bữa ăn của hai vợ chồng cũng chủ yếu là rau và cơm trắng. Hai vợ chồng phải tiết kiệm để có tiền mua sữa và đồ ăn cho con trai nhỏ, mới 21 tháng tuổi.
"Hôm qua, chủ nhà trọ san sẻ một cây măng. Thế nhưng mình chỉ lấy một nửa, nửa còn lại chia cho người khác ở cùng dãy trọ. Măng này luộc lên để vợ chồng ăn dần. Mua được chút thịt, cá, hai vợ chồng dành hết cho con trai", Su nói.
Tương tự, anh Đào Văn Kiều cùng vợ và 2 người con cũng thuê phòng trọ tại TP Gia Nghĩa để thuận lợi cho công việc.
Anh Đào Văn Kiều là diễn viên của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông. Lương hàng tháng của anh Kiều chỉ hơn 3,4 triệu đồng. Nhận lương về, anh phải trả tiền thuê phòng trọ hết hơn một triệu đồng. Cả 4 người trong nhà còn lại khoảng 2 triệu đồng để chi tiêu mỗi tháng.
Vợ anh đã học xong nghề chăm sóc da, nhưng do dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm nay. Dự định mở tiệm dịch vụ chăm sóc da của vợ chồng anh Đào Văn Kiều đành phải gác lại.
"Từ khi dịch xuất hiện tại TP Gia Nghĩa, cuộc sống của cả gia đình tôi bị đảo lộn, "ăn bữa nay, lo bữa mai" vì số tiền dành dụm tiết kiệm bao lâu nay cũng tiêu gần hết", anh Đào Văn Kiều tâm sự.
Mong đợi sự hỗ trợ từ Nghị quyết 68
Vừa kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, anh Đào Văn Kiều lại cùng đồng nghiệp tất bật quay lại với công việc tập luyện. Dù 2 năm qua, các buổi biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông đã cắt giảm đi đáng kể, thế nhưng nhiệt huyết, tình cảm dành cho nghề của mọi người vẫn rất lớn.
"Bản thân chúng tôi vẫn thường xuyên tập luyện để chờ hết dịch được quay trở lại sân khấu, nuôi dưỡng tình yêu với nghề. Dù thu nhập thấp, nhưng phải cố gắng bám trụ vì đó là đam mê, là tình cảm với con đường sự nghiệp mình đã chọn", nam diễn viên 32 tuổi nói.
Anh Đào Văn Kiều là một trong số 14 diễn viên, nghệ sĩ hạng IV của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông được đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Tất cả những nghệ sĩ đều dừng hoạt động từ 11/5 đến nay, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Thế nhưng, mốc ngày 11/5 cũng chỉ là mốc tạm tính, thực tế gần 2 năm nay, hoạt động nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông cũng chỉ cầm chừng, gói gọn tại một số sự kiện lớn của tỉnh Đắk Nông.
"Ngoài biểu diễn phục vụ chương trình của tỉnh, tranh thủ cuối tuần, nghỉ lễ hoặc buổi tối, một số anh chị em đi biểu diễn ở đám cưới, quán cà phê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng vì dịch bệnh, khoản thu nhập từ việc làm thêm ngoài giờ này gần như không có", một nghệ sĩ thổ lộ.
Theo ông Võ Cường, Trưởng đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông, toàn đoàn hiện có 30 cán bộ, công nhân viên và người lao động. Gần một nửa trong số này là nghệ sĩ hạng IV.
Dù được đào tạo bài bản trước khi về đoàn công tác, thế nhưng mức thu nhập mỗi người hàng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, không bảo đảm đời sống cho anh chị em nghệ sĩ, nếu anh chị em không có công việc làm thêm.
"Tỉnh Đắk Nông vẫn còn khó khăn, nhu cầu văn hóa, giải trí không nhiều. So với các địa phương khác, các sự kiện mời diễn viên về biểu diễn rất ít, thu nhập thêm của anh chị em vốn dĩ rất khiêm tốn. Hai năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập của nghệ sĩ bấp bênh, ai cũng chật vật để duy trì "lửa nghề"", ông Võ Cường nói.
Trước thông tin nghệ sĩ được đề nghị nhận hỗ trợ 3.710.000 đồng/người theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, ông Võ Cường tâm sự: "Đối với anh chị em trong đoàn, sự hỗ trợ này thực sự quan trọng, ý nghĩa. Số tiền không chỉ giúp nghệ sĩ trang trải cuộc sống, mà còn giúp họ có động lực, bám trụ với nghề, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật".